TIN THỦY SẢN

10 vạn con tôm dùng kiểm tra nước biển hiện ra sao ?

10 vạn con tôm dùng để thử nghiệm độ an toàn của nước biển sau 5 ngày thả nuôi đến nay vẫn sống và phát triển tốt. Ngọc Vũ

Để thử nghiệm độ an toàn của nước biển trong việc nuôi trồng thủy sản, Sở NNPTNT Quảng Trị đã dùng 10 vạn tôm giống để thử nghiệm. Đến nay có thể khẳng định nước biển an toàn.

Chiều 11.5, ông Nguyễn Văn Huân – Trưởng phòng nuôi trồng thủy sản, Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết sau 5 ngày thả nuôi, 10 vạn tôm giống dùng để thử nghiệm độ an toàn của nước biển có tỷ lệ sống 90%, đang phát triển tốt.

Trước đó, Dân Việt đã đưa tin về giải pháp “Dùng 10 vạn con tôm để kiểm tra độ an toàn của nước biển” do Sở NNPTNT Quảng Trị thực hiện. Theo đó, dù kết quả quan trắc của Sở TNMT Quảng Trị khẳng định nước biển vẫn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng để tránh tổn thất cho người nuôi tôm, Sở NNPTNT Quảng Trị đã chỉ đạo Trung tâm giống thủy sản tỉnh thử nghiệm bơm trực tiếp nước biển vào hồ nuôi và thả 10 vạn tôm thẻ chân trắng giống, theo dõi trong vòng 7-10 ngày để đưa ra kết luận có thể tiếp tục bơm nước biển vào nuôi tôm được không.

Ông Huân cho hay, ngày 7.5 đơn vị bắt đầu bơm trực tiếp nước biển vào hồ tôm rộng 1.000m2 và thả 10 vạn con tôm giống 15 ngày tuổi. Địa điểm thả nuôi là hồ tôm thuộc Trung tâm sản xuất giống thủy sản (thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh). Đến hôm nay 11.5, tức sau 5 ngày thả nuôi, kết quả kiểm tra cho thấy tỷ lệ tôm sống 90%, đang phát triển tốt. “Đến nay có thể kết luận nước biển an toàn cho việc nuôi trồng thủy sản” – ông Huân khẳng định.n

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ thủy sản Quảng Trị cho biết, để khắc phục thiệt hại do hiện tượng cá chết gây ra, về lâu dài Quảng Trị cần chuyển đổi từ đánh bắt ven bờ sang đánh bắt xa bờ, tuy nhiên hiện nay cơ sở hạ tầng như cảng biển của tỉnh không đáp ứng nhu cầu.

Cụ thể hai cảng biển lớn Cửa Tùng (Vĩnh Linh) và Cửa Việt (Gio Linh) đều bị bồi lấp, tàu thuyền lớn thường xuyên mắc cạn, còn tàu sắt đóng theo nghị định 67 thì không thể cập cảng. Vì vậy, các cấp ngành Trung ương cần hỗ trợ tỉnh về nguồn vốn nâng cấp cơ sở hạ tầng, nạo vét cảng biển, cho ngư dân vay vốn, ưu đãi lãi suất để chuyển đổi sang khai thác xa bờ.

Việc nuôi tôm trên cát ở Quảng Trị mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đòi hỏi vốn lớn, người nghèo khó thực hiện. Vì vậy, Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ tích cực cho người dân Quảng Trị để chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng.

Ngọc Vũ Báo Dân Việt, 11/05/2016