TIN THỦY SẢN

Ảnh hưởng của pH lên tăng trưởng và màu sắc của cá chốt bông

Cá chốt bông. NH Tổng Hợp

Cá chốt bông là một trong những loài cá cảnh xuất khẩu của Việt Nam. Nghiên cứu đánh giá tác động của pH đến tỷ lệ sống, sinh lý và màu sắc cá chốt bông.

Cá chốt bông (Pseudomystus siamensis) là một loài cá trong họ Bagridae. Loài này thường phân bố ở Lào, Campuchia, Thái Lan. Ở Việt Nam, cá phân bố chủ yếu ở Đồng Bằng Sông Cửu Long và được khai thác để làm thực phẩm. Tuy nhiên, những năm gần đây cá được khai thác phục vụ cho thị trường cá cảnh nhờ những nét đặc biệt, mới lạ về ngoại hình. Cá chốt bông có tên trong danh sách cá cảnh xuất khẩu với tên tiếng anh là Bumble bee catfish (Ng, 2012). 

Theo Das & ctv. (2006), sự thay đổi pH nước (cao hoặc thấp) có thể gây stress cho cá, đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh lý máu và tăng trưởng của cá. Dựa vào sự thay đổi các chỉ tiêu sinh lý máu (kích cỡ, hình dạng và sự biến động của từng loại tế bào máu, nồng độ hemoglobin, hàm lượng đường huyết) có thể giúp người nuôi đánh giá được tình trạng sức khoẻ của động vật thuỷ sản. 

Do đó, nghiên cứu ảnh hưởng của pH nước lên sinh lý máu và màu sắc của cá chốt bông (Pseudomystus siamensis) được tiến hành.

Bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm ảnh hưởng của pH đến tỷ lệ chết

Thí nghiệm được bố trí trong các bể kính và được bố trí 8 con/bể với trọng lượng trung bình từ 4 – 6 g/con ở các giá trị pH khác nhau pH = 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11. Sau đó, theo dõi các hoạt động của cá và ghi nhận số cá chết. Qua đó xác định ngưỡng pH thấp và cao gây chết 50% cá sau 24 giờ.

Thí nghiệm ảnh hưởng của pH lên sinh lý máu và màu sắc

Thí nghiệm được thực hiện trong 8 tuần với 8 nghiệm thức ở các giá trị pH khác nhau pH = 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11. Mỗi nghiệm thức bố trí 50 cá với trọng lượng trung bình khoảng 4 – 6 g/con vào trong bể kính.

Kết quả

Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi giá trị pH trong bể thí nghiệm tăng lên 11 thì cá có các triệu chứng như bơi nhanh, liên tục bơi lên mặt nước; cơ thể mất cân bằng; da, mang và toàn thân cá được bao phủ bởi rất nhiều chất nhầy; mắt cá bị đục; cơ thể bị lộn ngược và chết trong vòng 3 giờ sau khi tiếp xúc.

Ở giá trị pH = 10, lúc đầu cá cũng bơi nhanh sau đó giảm hoạt động bơi, cá lờ đờ, mắt cá đục, nằm im sát mặt đáy, một số cá trôi theo dòng nước do sục khí tạo ra, cá bắt đầu chết dần đến 50% sau 21 giờ bố trí và 70,8% sau 24 giờ. . 

Ở các giá trị pH = 4, 5, 6, 7, 8, 9 không có hiện tượng cá chết sau 24 giờ thí nghiệm. 

Tuy nhiên, ở giá trị pH = 8, 9 lúc bắt đầu thí nghiệm thì cá bơi nhanh, càng về sau cá chuyển động càng ít, nằm im sát mặt đáy, da tái nhạt. 

Ở giá trị pH = 3, cá tiết chất nhầy (nhưng ít hơn so với giá trị pH = 11), lúc đầu cá bơi nhanh, sau đó giảm dần hoạt động và nằm im bất động sát mặt đáy, mắt cá đục dần, trên da cá có dấu hiệu bị lỡ loét và cá chết dần đến 54,2% sau 21 giờ và 62,5% sau 24 giờ

Từ kết quả thí nghiệm, chúng tôi nhận thấy, cá chốt bông có khả năng chịu đựng được sự biến động của pH trong phạm vi rộng và nghiêng về môi trường acid. Giá trị pH thấp nhất và cao nhất gây chết 50% cá chốt bông trong 24 giờ lần lượt là 3,04 và 9,95. 

Hàm lượng glucose trong máu cá tăng cao khi cá tiếp xúc với môi trường có pH thấp (pH = 3) và pH cao (pH = 9 và 10). Tại các giá trị này cá không thích nghi được với môi trường nên chết hoàn toàn sau 5 ngày tiếp xúc. Sau 8 tuần nuôi, hàm lượng glucose trong máu cá tại pH = 8 đạt cao nhất (1,10 ± 0,46 mmol/L). 

Độ pH đã ảnh hưởng đến tăng trưởng (chiều dài và trọng lượng) của cá chốt bông. Ở pH = 6, cá có tốc độ tăng trưởng tốt nhất cả về chiều dài và trọng lượng, các giá trị pH 5 và pH > 7 đều cho kết quả tăng trưởng khá chậm. 

Sau 8 tuần nuôi, tỷ lệ sống của cá ở nghiệm thức pH = 6 đạt cao nhất (95,96%) và thấp nhất ở pH = 8 (60%), khác biệt có ý nghĩa thống kê (P 0,05) so với các nghiệm thức còn lại.

Kết quả từ nghiên cứu có thể ứng dụng vào nuôi cá chốt thương phẩm, nên duy trì pH=6 để đảm bảo tăng trưởng và tỉ lệ sống của đối tượng nuôi.

Tạp chí nông nghiệp và phát triển

NH Tổng Hợp