TIN THỦY SẢN

Bảo hiểm tôm nuôi - Nông dân chưa “mặn”

Tình hình tôm chết ở các tỉnh ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng khiến hàng loạt hộ lỗ nặng. Theo nhận định của ngành nông nghiệp, tính rủi ro của nghề nuôi tôm rất cao, trong đó người nuôi có nguy cơ trắng tay bất cứ lúc nào, bởi dịch bệnh trên tôm đang rất phức tạp và chưa thể khống chế được. Để tránh rủi ro cho người nuôi, việc triển khai bảo hiểm tôm nuôi là cần thiết. Thế nhưng thực tế nhiều nơi người dân không mặn mà với việc mua bảo hiểm tôm nuôi.

Người dân chưa mặn mà với bảo hiểm tôm.

Nhiều ràng buộc

Theo chương trình thí điểm bảo hiểm tôm nuôi, hai đối tượng được hưởng ưu đãi nhiều nhất là hộ nghèo được hỗ trợ 100%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 80% phí bảo hiểm tôm nuôi. Nhưng theo báo cáo của Công ty Bảo Việt Sóc Trăng, trong tổng số 846 hộ thuộc hai đối tượng nêu trên đăng ký tham gia bảo hiểm tôm nuôi thì chỉ có 4 hộ cận nghèo (với 2,7ha, tổng phí hơn 31 triệu đồng) chiếm tỷ lệ rất thấp.

Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết, toàn xã có 420 hộ cận nghèo nhưng không hộ nào đăng ký bảo hiểm. Bà con đều than “vốn đầu tư nuôi còn thiếu trước hụt sau, lấy đâu ra tiền mà đóng 20% phí bảo hiểm”. Còn hộ nghèo dù được hỗ trợ 100% nhưng số hộ tham gia cũng không nhiều. Theo ông Thành, chính quyền nhiều lần vận động nhưng bà con e ngại bởi quá nhiều thủ tục giấy tờ và điều kiện ràng buộc, nên không chịu tham gia.

Quy trình bảo hiểm tôm nuôi của Bảo Việt công bố: Hộ nuôi điền đầy đủ thông tin và gửi giấy yêu cầu bảo hiểm cho đại diện chủ hợp đồng là UBND xã. Hộ nuôi báo cáo ngày thả giống và đóng phí bảo hiểm trong vòng 7 ngày. UBND xã báo cáo với Bảo Việt cấp chứng nhận bảo hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế hộ nghèo và cận nghèo đều có diện tích nuôi nhỏ (vài trăm hoặc một hai ngàn mét vuông) nhưng quy định bắt buộc của bảo hiểm phải ghi nhật ký nuôi, quy trình chăm sóc, hàng tuần phải báo cáo với UBND xã về tình trạng sức khỏe tôm nuôi… tất cả giống như “cực hình” bởi nông dân không quen.

Đối với trường hợp tôm phát bệnh, hộ nuôi phải báo cho UBND xã trong vòng 24 giờ. Sau đó UBND xã báo cáo với Bảo Việt trong vòng 48 giờ. Kế đến, các bên liên quan đến ao nuôi lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả quy trình này mất ít nhất cũng vài tuần, trong khi người nghèo vốn “tay làm hàm nhai”, không thể chịu được thời gian lâu như vậy.

Theo Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố Nguyễn Trung Thành, vụ tôm năm nay nông dân gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh hoành hành. Tính riêng các hộ tham gia thí điểm bảo hiểm, đã có 17/197 hộ bị thiệt hại 100%. Nếu xem xét công bố dịch thì toàn bộ 2.100ha của địa phương, đang vào vụ nuôi phải đình trệ. Ông bày tỏ: “Công bố dịch là thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước, không phải quyền của doanh nghiệp bảo hiểm. Khó chấp nhận điều kiện theo kiểu quơ đũa cả nắm như vậy!”.

Theo số liệu ban đầu của Bảo Việt Sóc Trăng, vào đợt 1 thả giống tôm ở cả 9 xã thí điểm bảo hiểm đều có ao tôm bệnh, của 59 hộ, với diện tích gần 66ha. Hiện có duy nhất xã Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu) công bố dịch tôm.

Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết, hầu hết các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả dương tính đối với hội chứng teo và hoại tử gan tụy cấp tính. Trong khi quy tắc bảo hiểm đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng là “bệnh teo và hoại tử gan tụy”. Sự khác nhau về từ ngữ xem ra rất rối rắm!

Tuy nhiên, ông Quách Pái, Phó Giám đốc Công ty Bảo Việt Sóc Trăng, nói rằng, Bộ Tài chính tạm cho phép và UBND tỉnh cũng đồng thuận chủ trương: Chấp nhận theo phương pháp lâm sàng đối với các ao nuôi có tôm nhiễm hội chứng nêu trên, để hoàn tất thủ tục bồi thường.

 Chưa cân phân quyền lợi

“Tỷ lệ bồi thường” chính là nội dung mấu chốt mà người nuôi tôm căn cứ để cân phân trước khi đưa ra quyết định tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, theo tài liệu của Bảo Việt công bố thì tỷ lệ bồi thường giữa hai đối tương nuôi là tôm sú và tôm thẻ chân trắng quá chênh lệch, khiến nhiều người nghi ngại.

Ông Nguyễn Văn Nhất, ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề có 5 ao nuôi (26.000m²) được bảo hiểm đều bị thiệt hại. Trong đó có một ao (6.000m²) tôm sú, 35 ngày tuổi, tổng phí bảo hiểm 48,3 triệu đồng, tỷ lệ bồi thường 18% với số tiền 23,4 triệu đồng.

Còn ông Đào Văn Hên, ở gần đó có 1 ao (6.500m²) nuôi tôm thẻ chân trắng 32 ngày tuổi, tổng phí bảo hiểm 21,2 triệu đồng, tỷ lệ bồi thường 26%, với số tiền hơn 52 triệu đồng. Nhiều hộ nuôi giàu kinh nghiệm đoan chắc rằng: So với tôm thẻ chân trắng, vốn đầu tư nuôi tôm sú cao gần gấp đôi, kỹ thuật nuôi gắt gao và thời gian nuôi dài hơn. Nếu có rủi ro xảy ra trong ngày nuôi thứ 50 - 54 thì hộ nuôi tôm sú coi như mất trắng vốn, và chỉ nhận được khoản bồi thường 24%. Cùng thời điểm rủi ro, hộ nuôi tôm thẻ chân trắng có thể thu hoạch sớm để lấy lại phần lớn vốn; còn tỷ lệ 55% mà bảo hiểm bồi thường là mức lãi “trời cho”! Cách tính “thiên vị” như vậy sẽ dẫn tới kết quả là người dân sẽ ào ạt nuôi tôm thẻ chân trắng.

Mục tiêu bảo hiểm theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là nhằm giảm thiểu rủi ro, chia sẻ thiệt hại với nông dân. Nhưng cách đưa ra tỷ lệ bồi thường của Bảo Việt chưa theo đúng tinh thần của chủ trương, còn quá nặng quyền lợi doanh nghiệp nên người dân e ngại.

Ông Bảy Siêng, một đại gia nuôi tôm ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên tham gia bảo hiểm hơn 90.000m² ao tôm trong vụ này, nói rằng: “Ý nghĩa xã hội lớn nhất của bảo hiểm là làm sao để nông dân thấy được sự “cùng gánh vác” rủi ro và cùng chia lợi khi trúng mùa giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người nuôi tôm. Vì vậy, cách tính tỷ lệ bồi hoàn thiệt hại cần phải điều chỉnh cho hài hòa lợi ích đôi bên thì người nuôi tôm sẽ tự giác tham gia mà không cần vận động. Và tất nhiên, khi ấy chương trình bảo hiểm mới đạt mục tiêu đề ra, nhằm phát triển bền vững nghề nuôi tôm rất tiềm năng và cũng lắm rủi ro”.

Ông Lê Thanh Bình, cán bộ xã Ngọc Tố, đồng thời là đại lý bảo hiểm, cho biết thêm: “Một nội dung ngặt nghèo trong hồ sơ yêu cầu bồi thường là phải có quyết định công bố dịch của chính quyền xã. Nếu vậy cả ao tôm bệnh, ao tôm lành cùng địa bàn đều phải ngừng mọi hoạt động, thiệt hại xã hội sẽ vô cùng lớn”.

Sài Gòn Giải Phóng