TIN THỦY SẢN

Bảo hiểm tôm sú: Còn đó những khó khăn

PHƯƠNG NGHI

Hiện nay, nghề nuôi tôm là một lĩnh vực có lợi nhuận lớn nhưng ngày càng đối mặt với nguy cơ cao về rủi ro dịch bệnh, cho nên khi các bên tham gia bảo hiểm cùng đồng thuận và hợp tác, có thể xem là bước đột phá, tạo nên trợ lực mới để người nuôi yên tâm đầu tư sản xuất.

Những ao nuôi tôm sú được bảo hiểm, người dân an tâm sản xuất
Thực hiện Quyết định số 315 của Thủ tướng, việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011 – 2013, khi tham gia BHNN hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm, hộ cận nghèo được hỗ trợ 80%, hộ bình thường được hỗ trợ 40%. Những rủi ro được bảo hiểm gồm thiên tai (bão, lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá…) và dịch bệnh (cúm, tai xanh, lở mồm long móng, rầy nâu, vàng lùn, xoắn lá…).

Theo dự án thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng bảo hiểm nuôi trồng thuỷ sản (cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng) ở 9 xã thuộc các huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu, đối với, mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến sẽ đóng phí bằng 9,72% tổng chi phí của vụ nuôi; mô hình bán thâm canh đóng 8,02% và nuôi thâm canh đóng 7,42%, (tương đương khoảng 10 triệu đồng). Hiện tại trong 9 xã thí điểm, mức phí dự kiến cho các hộ tham gia bảo hiểm là 257 tỉ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ khoảng 155 tỉ đồng. Có thể nói đây là lần đầu tiên trong hoạt động nuôi tôm có được sự hỗ trợ giống như một chính sách an sinh xã hội dành cho hộ nuôi. Ông Nguyễn Trung Thành – Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố (Mỹ Xuyên) cho biết: “Việc xã ký kết với Bảo hiểm là trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với bà con nuôi tôm và cũng là động lực để bà con có niềm tin rằng khi nuôi tôm có rủi ro thì có doanh nghiệp, có nhà nước hỗ trợ để có nguồn vốn tái sản xuất”.

Theo hướng dẫn của Công ty Bảo Việt Sóc Trăng, đơn vị được chọn thực hiện thí điểm bảo hiểm trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng, khi xảy ra thiệt hại thì hộ nuôi thông báo với UBND xã hoặc với Công ty qua đường dây nóng, đồng thời nộp hồ sơ gồm giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy xét nghiệm tôm, hóa đơn mua giống, thức ăn cho tôm… Bảo Việt sẽ có trách nhiệm bồi thường trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.

Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề mà nông dân lo lắng. Theo quy định tại thông tư hướng dẫn thực hiện thí điểm BHNN của Bộ NN & PTNT, điều kiện để được bồi thường BHNN do ảnh hưởng của các loại thiên tai và dịch bệnh là Chủ tịch UBND tỉnh phải ra quyết định công bố và xác nhận loại thiên tai, dịch bệnh tại địa phương. Như vậy, nếu bị thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện hẹp, đơn lẻ, người nuôi cũng khó được bảo hiểm. Ông Đặng Văn Khởi ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình (Trần Đề) chia sẻ: “Xác định được 4 bệnh của tôm thẻ và 3 bệnh của tôm sú thì cần có máy để kiểm tra cho thật chính xác và người sử dụng máy phải thành thạo nên người nuôi đâu dễ thực hiện. Bởi nếu đúng là bệnh đó thì người dân mới được bồi hoàn thỏa đáng”. Còn ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng nói: “Để được bảo hiểm bồi thường thì người nuôi tôm phải thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất của ngành nông nghiệp từ khâu cải tạo ao đầm, chọn con giống đến thả nuôi, đặc biệt là phải tuân thủ tuyệt đối lịch thời vụ. Nếu vi phạm sẽ bị từ chối chi trả bồi thường khi rủi ro, mà điều này thì quá khó với nông dân”.

Bảo hiểm nông nghiệp cho tôm sú không chỉ đơn thuần là sự tiếp sức hỗ trợ cho người nuôi khi gặp rủi ro, mà còn đưa nghề nuôi tôm hướng đến sự hợp tác cộng đồng cao hơn, trong đó có cam kết về việc tuân thủ quy trình kỹ thuật theo khuyến cáo, có ý thức về mùa vụ, cùng tham gia bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng vùng nuôi có tính bền vững cao.

PHƯƠNG NGHI Báo Đại Đoàn Kết,10/05/2012