TIN THỦY SẢN

Bệnh trống đường ruột ở tôm: Triệu chứng và phương pháp điều trị hiệu quả

Dấu hiệu tôm bị trống đường ruột. Ảnh: tomthechantrang.vn Phan Tấn Đạt

Đường ruột đóng vai trò quan trọng nhất trong cơ thể của tôm, đặc biệt là do tôm có cấu tạo đơn giản và rất dễ nhạy cảm với các mầm bệnh. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng nhiều bệnh nguy hiểm như: Phân trắng, hội chứng tôm chết sớm (EMS),... thường bắt nguồn từ đường ruột.

Do đó, bài viết sau đây sẽ hỗ trợ bà con trong việc nhận diện các biểu hiện mắc bệnh trống đường ruột ở tôm, đồng thời cung cấp các phương pháp xử lý và biện pháp phòng tránh để đạt hiệu quả cao. 

Dấu hiệu bệnh trống đường ruột ở tôm 

Trước khi tìm hiểu về cách điều trị tôm bị trống đường ruột, việc quan trọng là bạn phải nhận diện được những triệu chứng dưới đây để áp đặt biện pháp phòng và chữa trị đúng cách. 

Dấu hiệu đầu tiên là tôm bỏ ăn, yếu ớt, đường ruột mờ đục, có thể bị đứt hoặc viêm đỏ, và không chứa thức ăn. Ngoài ra, khi lắc nhẹ thân tôm, chuyển động thức ăn trong đường ruột không di chuyển một cách ổn định. 

Cuối cùng, khi kiểm tra phân của tôm có đặc điểm nát nhỏ, mất tính đàn hồi, màu sắc nhợt nhạt, khác biệt hoàn toàn so với phân bình thường. 

Nguyên nhân tôm bị trống đường ruột 

Do vi khuẩn 

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh trống đường ruột ở tôm, nhưng nguyên nhân chủ yếu thường xuất phát từ vi khuẩn Vibrio. Vi khuẩn này thường xâm nhập vào hệ thống đường ruột của tôm, gắn kết chặt vào thành ruột, và tỏa ra các độc tố gây tổn thương nghiêm trọng cho cấu trúc của ruột. Quá trình này dẫn đến việc ruột bị viêm nhiễm, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa của tôm. Điều này dẫn đến tình trạng tôm không thể ăn được và gây ra tình trạng đường ruột tôm bị trống. 

Tôm bị trống đường ruột do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ảnh: xahoi.vnua.edu.vn

Bệnh trống đường ruột ở tôm do môi trường ao nuôi 

Ngoài tác động của vi khuẩn Vibrio, có một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng trống đường ruột ở tôm: 

Thức ăn kém chất lượng: Thức ăn bị nhiễm mốc, chứa độc tố, khiến cho tôm tiêu thụ nó sẽ mắc bệnh đường ruột. 

Tôm ăn tảo độc: Tảo sản xuất enzyme có thể tê liệt lớp biểu mô ruột, làm cho quá trình hấp thụ thức ăn trở nên khó khăn. Ngoài ra, nấm đồng tiền (nấm chân chó) trong ao thu hút tôm ăn phải, cũng gây bệnh đường ruột trên tôm. 

Nhiễm ký sinh trùng đường ruột: Ký sinh trùng bám vào thành ruột tôm, gây ra tổn thương đường ruột. 

Ảnh hưởng của thời tiết: do thời tiết thay đổi đột ngột như nắng nóng kéo dài, mưa nhiều, hoặc trời quá lạnh. Các điều này đều có thể làm cho tôm yếu ớt, từ chối ăn, dẫn đến tình trạng trống đường ruột. 

Khí độc dưới đáy ao: Các loại khí độc như H2S, NH3, NO2 tích tụ dưới đáy ao. 

Phòng bệnh trống đường ruột ở tôm 

Kiểm soát và bảo quản thực ăn tốt 

Lựa chọn thức ăn chất lượng cao, đặc biệt là loại thức ăn chuyên dụng cho tôm, đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Trong mỗi giai đoạn nuôi, hãy cho tôm ăn lượng thức ăn có kích cỡ phù hợp và không nên cung cấp quá nhiều. Ngoài ra, đảm bảo kiểm tra thức ăn không có nhiễm độc tố hoặc nấm mốc. 

Cải thiện sức khỏe đường ruột của tôm bằng cách thường xuyên bổ sung men tiêu hóa trộn lẫn vào thức ăn trong quá trình nuôi. Trong quá trình chăm sóc, cần tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách thêm Vitamin C vào chế độ dinh dưỡng, điều này giúp ngăn chặn tác nhân gây bệnh đường ruột ở tôm. 

Quản lý chặt chẽ môi trường ao nuôi tôm 

Dựa vào trình độ nuôi và mức đầu tư, hãy xác định tỷ lệ thả tôm giống sao cho mật đồ phù hợp, tránh thả quá dày. Quy trình chuẩn bị, cải tạo ao cần được thực hiện một cách cẩn thận trước khi thả tôm. Cần trang bị đầy đủ các thiết bị như máy quạt, máy sục khí oxy, và kiểm soát chất lượng nước đối với hình thức nuôi tôm công nghiệp. 

Thực hiện việc xử lý đáy ao định kỳ từ 7-10 ngày/lần bằng cách sử dụng men vi sinh giúp phân hủy chất hữu cơ trong ao do tảo tàn, phân tôm và xác vỏ tôm lột. Điều này giúp đảm bảo môi trường sống của tôm luôn được duy trì sạch sẽ và thông thoáng. 

Phương pháp điều trị bệnh trống đường ruột ở tôm 

Ngưng cung cấp thức ăn cho tôm trong khoảng 1-2 ngày. Khi tái khởi động ăn, hãy giảm lượng thức ăn xuống 50% so với mức thông thường. Tiếp theo, tăng dần lượng thức ăn vào những ngày tiếp theo nếu tôm tỏ ra khỏe mạnh hơn. 

Dựa vào trình độ nuôi và mức đầu tư, hãy xác định tỷ lệ thả tôm giống sao cho mật đồ phù hợp. Ảnh: mybinh.com.vn

Thực hiện thay nước ao nuôi tôm với tỷ lệ từ 30-50%, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của tôm để xác định lượng nước cần thay đổi, nhằm tránh tình trạng tôm bị sốc. 

Sử dụng hóa chất như BKC, Iodine, H2O2, KMnO4 để diệt khuẩn trong nước ao nuôi. Liều lượng hóa chất phải được điều chỉnh phù hợp với tình hình sức khỏe của tôm. 

Bổ sung vôi, Zeolite, Yucca để cải thiện các thông số môi trường như pH, độ kiềm, và khí độc trong ao. 

Thực hiện việc đánh men vi sinh, chứa các nhóm vi khuẩn có lợi như Bacillus, Nitrosomonas, Nitrobacter để tạo ra môi trường vi sinh hữu ích trong ao. 

Bổ sung các chất giải độc gan như Sorbitol, Methionine, Choline, Beta-Glucan, Premix, men tiêu hóa và Probiotic vào thức ăn cho tôm. 

Thêm men vi sinh đường ruột Microbe-Lift DFM vào thức ăn với liều lượng từ 0,5 gram đến 1 gram men trộn cho 1 kg thức ăn, nhằm khôi phục hệ khuẩn có lợi cho đường ruột tôm và ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại như Vibrio. 

Cuối cùng, sau khi hoàn tất điều trị tôm bị trống đường ruột xong. Bà con cần xổ ký sinh trùng định kỳ để giúp tôm tăng khả năng bắt mồi, tiêu hóa hiệu quả và tăng trưởng nhanh chóng. Bà con cần lưu ý: Quá trình xổ ký sinh trùng nên được thực hiện khi tôm đang trong tình trạng khỏe mạnh và môi trường nước nuôi ổn định. Đồng thời, nên  sử dụng hóa chất diệt ký sinh trùng trước khi xả nước ra môi trường để ngăn chặn sự lây lan của các tác nhân gây bệnh trong ao nuôi. 

Phan Tấn Đạt