TIN THỦY SẢN

Bình Định: Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển khai thác các ngừ đại dương

Ảnh minh họa Văn Thọ

Nghề khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương được xem là nguồn xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Định. Tuy nhiên trong những năm qua, nghề khai thác đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân gặp không ít khó khăn, sản lượng và giá trị xuất khẩu liên tục giảm và phát triển thiếu bền vững. Nhằm năng cao năng suất, chất lượng cũng như giá trị xuất khẩu cá ngừ đại dương (cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng, cá ngừ vằn) theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn khai thác với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hài hòa lợi ích giữa ngư dân và doanh nghiệp …. Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã ký Quyết định số 3174/ĐQ-UBND ban hành chính sách hỗ trợ “Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”.

Nghề khai thác cá ngừ đã trở thành thế mạnh của nghề khai thác cá Bình Định. Bên cạnh phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho ngư dân, nghề khai thác xa bờ còn góp phần giữ gìn an ninh, chủ quyền vùng biển hải đảo. Bình Định có các vùng biển nước sâu và một số vịnh kín gió thích hợp cho việc phát triển cảng biển, vùng neo đậu tàu thuyền và hạ tầng dịch vụ nghề cá. Việc khai thác cá ngừ hiện nay của ngư dân Bình Định được thực hiện bằng 3 nghề chính: Lưới vây; lưới rê; nghề câu vàng. Nghề câu vàng khai thác ở vùng biển xa bờ, đối tượng chính là cá ngừ mắt to (bigeye tuna); cá ngừ vây vàng (yellowfin tuna). Nghề lưới rê và lưới vây đánh bắt nhóm cá ngừ nhỏ như cá ngừ vằn; cá ngừ chù; cá ngừ ồ…

Nhưng một thực tế hiện nay, nghề khai thác cá ngừ đại dương của Bình Định nói riêng, cũng như cả nước nói chung gặp không ít thách thức như:  tàu thuyền sử dụng khai thác của ngư dân nhỏ với công suất thấp, trang thiết bị thiếu đồng bộ, bảo quản sản phẩm còn thô sơ; khả năng chịu đựng sóng gió thấp. 

Công tác dự báo ngư trường còn nhiều hạn chế. Thời gian trung bình của chuyến biển khá dài, cùng với phương pháp bảo quản sản phẩm bằng đá xay nên chất lượng sản phẩm bị giảm sút. Hoạt động khai thác chủ yếu của ngư dân dựa vào kinh nghiệm nên rất khó khăn trong việc tiếp nhận công nghệ hiện đại, tiên tiến.

Hoạt động tiêu thụ cá ngừ hiện nay thường không ổn định về nhiều mặt như giá cả, khách hàng, chưa có tổ chức có tư cách pháp nhân để đại diện và bảo vệ quyền lợi cho ngư dân. Người đánh bắt cá ngừ không có được sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm của mình làm ra.

Cơ sở cung cấp dịch vụ nước đá, xăng dầu còn nhỏ lẻ manh mún. Cảng cá quy mô còn nhỏ, trang thiết bị xếp dỡ còn thủ công lạc hậu, luồng lạch có độ sâu hạn chế ảnh hưởng đến việc ra vào của tàu thuyền.

Để giải quyết các bài toán trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản ban hành đề án “Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”. Mới đây, tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 3174/ĐQ-UBND ban hành chính sách hỗ trợ “Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”. Theo đó, ngư dân khai thác cá ngừ sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/kg cá ngừ đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu tươi sang Nhật Bản. UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ 25 chủ tàu tham gia Đề án, với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/tàu để cải tạo hầm bảo quản, đầu tư hầm hạ nhiệt. Thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ này là trong 2 năm (2016 – 2017). Hiện đã có 18 tàu cá của ngư dân huyện Hoài Nhơn và 7 tàu cá của ngư dân TP Quy Nhơn tham gia đề án xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật Bản. Trong tháng 10 tới 3 tàu cá sẽ thực nghiệm khai thác cá ngừ đại dương bằng các trang thiết bị của Nhật Bản với sự tham gia hướng dẫn trực tiếp của cán bộ kỹ thuật Sở NN&PTNT và các chuyên gia Nhật Bản. 

Văn Thọ Fistenet, 22/09/2015