TIN THỦY SẢN

Chủ động hội nhập

Gian hàng Việt Nam tại IBSS 2013 có sự tham gia của 17 doanh nghiệp P.T

Hội chợ Quốc tế thủy sản tại Mỹ (IBSS) là hội chợ thủy sản lớn thứ hai thế giới - nơi giới thiệu những loại thủy hải sản mới nhất, các công nghệ và dịch vụ đánh bắt, chế biến, đóng gói tiên tiến nhất hiện nay.

Với mục đích tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị phần XK tại thị trường quan trọng, liên tục trong 15 năm qua, chưa năm nào các DN thủy sản Việt Nam bỏ lỡ cơ hội tham dự hội chợ này dù chi phí tham gia không hề thấp. Năm 2013, tình hình kinh tế khó khăn cộng với những khó khăn của ngành tôm nên số lượng DN tham gia đã giảm đáng kể, nhưng vẫn còn tới 17 DN tham gia (trước đây 26 DN).

Tuy nhiên, điều đáng nói là dù đã nhiều lần tham gia hội chợ nhưng sản phẩm của DN Việt Nam vẫn không có gì đột phá, sản phẩm đơn điệu, na ná như nhau. Vẫn là những sản phẩm phile cá tra, basa và một vài sản phẩm đơn giản khác được chế biến từ nguyên liệu của hai loại cá này. Trong khi đó, nếu nhìn sang nước bạn, có thể thấy, cách mà DN tham gia hội chợ rất sinh động. Họ trưng bày cả cá sống, sản phẩm đông lạnh và cả sản phẩm đã chế biến cho người tham quan triển lãm dùng thử.

Nhìn rộng ra, có thể thấy rằng đây là tâm lý chung của nhiều DN khi tham gia hội chợ quốc tế. Để tham gia được những hội chợ mang tầm quốc tế, ngoài nguồn kinh phí ít ỏi được Nhà nước hỗ trợ, DN phải đầu tư rất nhiều tiền của, nhưng lại ít thấy “dấu vết” của sự đầu tư công sức, ý tưởng.

Bởi thế, hầu hết DN Việt Nam khi tham gia hội chợ quốc tế đều mang theo tâm lý bị động, hoặc tham gia nhưng không có sự chuẩn bị kỹ càng, có gì dùng nấy. Ngay cả “bộ mặt” của DN là catalogue (giới thiệu danh mục hàng hóa của DN) cũng không thể hiện được tính chuyên nghiệp, không tập trung vào lĩnh vực, ngành hàng kinh doanh chính. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho đối tác rất khó tiếp cận hay nói đúng hơn là ngại tiếp cận với DN Việt Nam.

Hội nhập đồng nghĩa với việc DN có thêm nhiều cơ hội giao thương nhưng cũng đồng nghĩa với việc DN sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Khi nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng co hẹp, sự hỗ trợ của Nhà nước với DN ít đi là lúc DN Việt Nam phải trưởng thành hơn trong cách tư duy. Chủ động tìm kiếm bạn hàng, chuyên nghiệp trong phương thức kinh doanh khi “mang chuông đi đánh xứ người” là điều tất lẽ phải có.

P.T Báo Hải Quan