TIN THỦY SẢN

Chuyện làm giàu của “Nhàn nuôi ếch”

Mô hình nuôi ếch. Quang Minh

Về đến thị trấn Mỹ An (Tháp Mười - Đồng Tháp), hỏi thăm nhà anh Nguyễn Văn Nhàn ở khóm 3, chúng tôi được người dân ở đây chỉ dẫn rất nhiệt tình. Ai cũng gọi anh với cái tên thân mật: “Nhàn nuôi ếch”.

Trong căn nhà khang trang, anh Nhàn vui vẻ kể với chúng tôi về những ngày đầu khởi nghiệp nuôi ếch. Anh bảo: “Tôi bắt đầu nuôi ếch từ năm 2007, lúc đầu chỉ nuôi thử 3.000 con, về sau, thấy nuôi không quá khó, lại cho thu nhập cao nên mở rộng quy mô với diện tích ao nuôi khoảng 1.000m2 và quyết làm giàu từ vật nuôi này”.

Với kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian nuôi thử, đến nay, anh đã tăng quy mô nuôi lên tới 20.000 con ếch mỗi lứa, trừ chi phí, thu lãi 20 - 25 triệu đồng. Từ chỗ ban đầu phải đi mua ếch giống, đến nay anh đã tự nuôi ếch bố mẹ để tạo ra ếch giống. Bình quân mỗi năm anh xuất bán 4 - 5 lứa (mỗi lứa xuất sau 1,5 - 2 tháng), tổng sản lượng khoảng 10 - 15 tấn ếch. Với giá bán dao động trong khoảng 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm anh Nhàn thu lãi 80-90 triệu đồng.

Ngoài ra, trong diện tích ao nuôi, anh Nhàn còn kết hợp thả cá trê, cá điêu hồng để tận dụng thức ăn dư thừa của ếch, mỗi năm cũng thu được 5 tấn cá, lãi khoảng 80 triệu đồng mà không phải tốn tiền thức ăn. Chưa dừng lại ở đó, anh Nhàn còn trồng nửa công (500m2) rau rút phía sau nhà, mỗi tháng thu nhập 7-8 triệu đồng. Cộng các nguồn thu từ nuôi ếch, cá và rau rút, mỗi năm gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng.

Chúng tôi tỏ vẻ ngưỡng mộ trước cơ ngơi khang trang trị giá tiền tỉ mà gia đình anh mới xây xong, anh Nhàn nói: “Cũng nhờ nuôi ếch mà vợ chồng tôi mới xây được căn nhà này đấy, nếu chỉ làm lúa thì may lắm cũng đủ ăn mà thôi. Ngoài ra, nuôi ếch còn nhàn hơn nhiều, do đó tôi cũng có thời gian hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong vùng để cùng vươn lên làm giàu”.

Quang Minh Kinh Tế Nông Thôn