TIN THỦY SẢN

Đánh cá bằng điện tận diệt nguồn thủy sản tự nhiên

Tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện (kích điện) vẫn xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Bài, ảnh: Việt Anh

Thời gian qua, mặc dù đã được các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng cảnh báo về sự nguy hiểm đến tính mạng và sự nguy hại đối với môi trường sinh thái, nhưng tình trạng sử dụng xung điện (kích điện) đánh bắt cá vẫn xuất hiện trên các sông, hồ, mương máng tại nhiều địa phương. Hiện vẫn chưa có con số thống kê cụ thể cũng như kiểm soát chặt chẽ hết được những trường hợp vi phạm; ngành chức năng và các lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản mới chỉ phát hiện và xử lý ở mức độ khiêm tốn.

Vào những ngày này, dạo một vòng quanh các đồng ruộng tại nhiều địa phương, không khó để bắt gặp hình ảnh những người sử dụng xung điện (kích điện) để đánh bắt cá. Trên thực tế, chỉ cần bỏ ra hơn 1 triệu đồng là đã có được một bộ đồ nghề đánh bắt cá bằng xung điện, bao gồm một bình ắc quy 12V, bộ kích điện và 2 cần dẫn điện tự chế.

Hầu hết những người sử dụng xung điện để đánh bắt thì không chỉ có cá, tôm mà các loài khác trong phạm vi chịu ảnh hưởng của xung điện như rắn, lươn, ếch, nhái... cũng bị tận thu. Đây là một cách khai thác phản khoa học, có tác hại lâu dài vì phá hủy sinh cảnh, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản. Hệ quả của việc đánh bắt đó là phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh, thêm vào đó, tính mạng của người dân cũng rất nguy hiểm khi sử dụng những dụng cụ tự chế này.

Anh Trung, chuyên sống bằng nghề đánh bắt cá bằng xung điện ở xã Tân Chi (Tiên Du) chia sẻ: “Bây giờ đánh bắt cá ngoài đồng mấy ai còn dùng chài lưới nữa, mất thời gian mà hiệu quả chẳng được bao nhiêu...”.

Nói đoạn, anh đưa 2 cần dẫn điện tự chế (mỗi chiếc dài khoảng 1,5m) xuống nước. Bộ xung điện phát ra những tiếng rè rè... Dưới mương, các loại tôm, cá lớn nhỏ trong phạm vi mấy mét đều nổi phềnh lên mặt nước chỉ việc vớt. Cũng theo anh Trung thì vài năm gần đây, số lượng người tham gia vào nghề đánh bắt cá bằng xung điện ở quê anh giảm đi đáng kể. Nguyên nhân chính là do mương máng, ao hồ ngày càng ô nhiễm nên lượng cá trong tự nhiên ngày một cạn kiệt, thu nhập không còn hấp dẫn như trước...

Theo số liệu báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên của tỉnh đang ngày một giảm dần. Năm 1997, sản lượng khai thác tự nhiên chiếm đến 23,68% tổng sản lượng thủy sản, nhưng đến năm 2013 thì chỉ còn chiếm khoảng 4%. Điều này cho thấy nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang bị suy giảm nghiêm trọng, trong đó có nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như: cá măng, cá chày, cá bống, cá ngạnh, cá trắm đen sông...

Ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến người dân về những tác hại của việc khai thác thủy sản trái phép bằng điện; tổ chức thả cá giống hàng năm ra môi trường để tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên; đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11-10-2008 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì đối với hành vi sử dụng xung điện (kích điện) không giao thẩm quyền xử phạt hành chính cho chính quyền cơ sở mà chỉ dừng ở biện pháp tịch thu phương tiện nên không đủ sức răn đe, dẫn đến việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân chỉ nghiêng về khai thác, còn việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản chưa cao, trong khi đó công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được xã hội hóa. Để bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường nước, cần có sự chung tay, phối hợp đồng bộ hơn nữa của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và nhân dân; tạo ra thế trận toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

Bài, ảnh: Việt Anh Báo Bắc Ninh, 13/05/2014