TIN THỦY SẢN

Độ hòa tan của thức ăn quan trọng như thế nào?

Độ hòa tan thích hợp của thức ăn cho tôm giúp tôm dễ dàng tiêu thụ và tránh lãng phí. Phan Tấn Đạt

Để đánh giá nhanh chất lượng thức ăn tôm tốt nhất, bên cạnh các chất dinh dưỡng cần thiết, việc hiểu rõ về độ hòa tan của thức ăn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trả lời cho câu hỏi độ hòa tan của thức ăn cho tôm quan trọng như thế nào? và yếu tố nào giúp đánh giá độ hoàn tan của thức ăn.

Tầm quan trọng của độ hòa tan trong thức ăn tôm 

Đối với thức ăn dành cho tôm nuôi việc duy trì độ hòa tan thích hợp giúp ngăn chặn sự giảm chất lượng, mất chất dinh dưỡng và tránh lãng phí thức ăn nhanh chóng sau khi thức ăn tiếp xúc với nước. 

Ngoài ra, độ hòa tan của thức ăn cần phải duy trì tính toàn vẹn về chất lượng đủ lâu để các con tôm có thể phát hiện và tiêu thụ nó. Và thời gian này thường rất ngắn, chỉ từ 1-2 giờ. Yếu tố này phụ thuộc vào sự hấp dẫn, khả năng kết dính và thành phần của công thức. Thức ăn không ổn định sẽ dẫn đến việc không tiêu thụ hết, gây lãng phí thức ăn và tăng lượng chất hữu cơ trong ao nuôi và nước thải, làm tăng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn và giảm hiệu quả kinh tế. 

Các yếu tố giúp đánh giá độ hòa tan của thức ăn tôm 

Chất kết dính 

Trong thức ăn dành cho động vật thủy sản, đặc biệt là đối với thức ăn cho tôm, sự ổn định là yếu tố cực kỳ quan trọng. Thức ăn tôm thường là loại thức ăn chìm, đòi hỏi độ kết dính cao hơn và khả năng tan vào nước chậm hơn. Vì vậy, việc sử dụng chất kết dính là không thể thiếu để đảm bảo thức ăn duy trì được sự ổn định trong môi trường nước. 

Chất kết dính đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường độ kết dính của thức ăn, giảm thiểu sự mất mát chất dinh dưỡng, tăng độ bền của thức ăn khi tiếp xúc với nước, và giúp giảm bụi trong quá trình chế biến. Trong số các chất kết dính phổ biến được sử dụng trong thức ăn cho tôm, có nhóm từ tảo biển như agar, aginate; nhóm từ thực vật như tinh bột, hemicelluloses, carboxymethyl; nhóm từ động vật như gelatin, collagen, chitosan; cùng nhóm vô cơ như bentonite, cùng với các chất tổng hợp như urea formaldehyde. 

Tôm thẻ chân trắng cần lượng thức ăn phù hợp, không ô nhiễm

Trong số đó, gelatin và gluten từ lúa mì thường được ưa chuộng vì khả năng dễ tiêu hóa và cung cấp thêm protein cho tôm. Cần lưu ý rằng, hàm lượng chất kết dính cần được điều chỉnh phù hợp với thành phần nguyên liệu và quy trình chế biến thức ăn.

Chất tạo mùi 

Hay còn được gọi là chất dẫn dụ, đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hiệu quả sử dụng thức ăn cho tôm. Trong môi trường nước, chất dẫn dụ phải có khả năng hòa tan để tôm và cá có thể cảm nhận và tìm kiếm thức ăn. Đặc tính hòa tan của chất dẫn dụ càng cao, với trọng lượng phân tử càng nhỏ, thì khả năng kích thích ăn của tôm nuôi càng tốt. Chất tạo mùi thường không bay hơi, có trọng lượng phân tử nhỏ và dễ tan trong nước, đồng thời có độ bền với nhiệt.

Trong các nguồn nguyên liệu làm thức ăn cho tôm, tự nhiên đã cung cấp một số chất dẫn dụ. Hàm lượng chất dẫn dụ thường dao động từ 1 đến 5% tùy thuộc vào loại nguyên liệu. Ví dụ, giáp xác và bột nhuyễn thể thường chứa khoảng 50 g/kg thức ăn là chất dẫn dụ hấp dẫn. Các sản phẩm khác như bột cua, bột đầu tôm, và bột vỏ tôm thường được bổ sung vào thức ăn với tỷ lệ khoảng 3 đến 5% làm chất dẫn dụ. Bột mực và dầu nhuyễn thể được xem là các chất dẫn dụ tốt để bổ sung vào thức ăn cho tôm, vì chúng chứa axit amin và axit béo dễ hấp thụ, được coi là kích thích tăng trưởng cho tôm.

Ngoài các chất dẫn dụ tự nhiên, thức ăn cho tôm cũng có thể bổ sung các chất dẫn dụ nhân tạo như các axit amin tự do hoặc một số phân tử peptide như betane để tăng cường hấp thụ dinh dưỡng cho tôm nuôi.

Phan Tấn Đạt