TIN THỦY SẢN

Hành trình xuất cá nuôi về “Vương quốc cá”

Thu gom cá trong nội địa để xuất sang CPC Minh Hiển

Thời gian gần đây, thông qua thương nhân giữa 2 quốc gia, cá nuôi của ngư dân ĐBSCL đã được xuất mạnh sang Campuchia (CPC) đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng đất nước Chùa Tháp. Cá được đưa đi bằng xe tải, góp phần giải quyết lượng cá tại thị trường nội địa.

Vận chuyển rầm rộ

CPC vốn được mệnh danh là “Vương quốc cá”. Tuy nhiên, do nguồn lợi thủy sản tự nhiên cạn kiệt, trong khi trình độ nuôi trồng thủy sản còn hạn chế và dân số tăng nhanh khiến lượng cá trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Vào thập niên 1980, dân số CPC chỉ 11 triệu người thì nay đã tăng lên 17 triệu người. Từ thực tế này, thương nhân đưa mặt hàng cá nuôi ở ĐBSCL ngược lên CPC. “Tôi đi các tỉnh ĐBSCL tìm nguồn hàng, khi đặt vấn đề mua cá “xuất ngược” sang CPC, nhiều người bảo “chở củi về rừng”. Đến khi thương thuyết giá xong, tôi đặt cọc 50 triệu đồng cho lô hàng cá trê ở Cần Thơ thì mọi người mới tin điều đó là sự thật” – ông Chau Sa Oanh, một thương lái CPC, cho biết.

Cá của ngư dân ĐBSCL được xuất sang CPC quanh năm, cao điểm xuất hàng là sau Tết Nguyên đán đến tháng 7 dương lịch. Thời gian này, bình quân mỗi ngày có khoảng 100 tấn cá được xuất sang nước bạn. Nếu ở An Giang, ngư dân nuôi cá điêu hồng, cá lóc đạt năng suất, chất lượng cao thì Đồng Tháp có cá rô, Cần Thơ có cá trê. Tại ĐBSCL, cá được thu gom qua mạng lưới của thương lái trong nước, chở bằng ghe đục (loại 15 – 25 tấn/ghe) đến gần khu vực biên giới, sau đó cá được đưa vào thùng sắt để lên xe tải chở qua cửa khẩu. Tại đây, cá được sang xe thương lái CPC để qua cửa khẩu, đi thẳng đến Phnom Penh và khắp Vương quốc CPC tiêu thụ. Đối với cá lóc và cá trê, mỗi thùng sắt, thương lái đóng vào 60 kg cá; mặt hàng cá rô đóng mỗi thùng 30kg; các loài cá khác như điêu hồng, he, hú... thì ít hơn. Mỗi xe tải chở từ 60 - 180 thùng cá. Trong quá trình chở cá đi, người ta bỏ từ 2–3 viên oxy khô hoặc nước đá vào thùng sắt để giúp cá khỏe. “Hiện nay, cá vận chuyển bằng xe tải qua Cửa khẩu Tịnh Biên khá nhiều. Từ đây lên đến Phnom Penh dài 135km nhưng đường bằng phẳng, chở cá ít hao hụt. Từ cửa khẩu Khánh Bình đến Phnom Penh chỉ 72 km nhưng tuyến đường này có nhiều cầu. Mỗi lần xe qua cầu là cá bị xốc nên cá hao hụt. Đi bằng đường thủy thì thời gian rất chậm, không đáp ứng được đơn hàng trong ngày” – ông Bùi Phước Định, một doanh nghiệp chuyên xuất cá sang CPC, thông tin.

Nhập hàng đa dạng

Trên địa bàn tỉnh An Giang có trên 20 đầu mối xuất cá, trong đó mạnh nhất là các vựa cá của anh Oanh, anh Định, chị Nhàn... Cá xuất sang CPC bằng nhiều phương thức khác nhau. Tham gia chuỗi cung ứng mặt hàng thủy - hải sản vừa nêu, trên 5.000 lao động có việc làm thường xuyên. Cá đưa sang CPC không chỉ bán tại Phnom Penh, mà đã được đưa đi khắp các tỉnh, thành CPC để tiêu thụ. “Mặt hàng thủy - hải sản xuất sang CPC rất đa dạng và phong phú. Ngoài các mặt hàng cá chợ, những mặt hàng đặc sản như tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng rất được ưa chuộng tại Phnom Penh. Thời gian tới, sản lượng cá xuất sẽ còn tăng. Đây chính là cơ hội để nông dân nuôi tôm càng xanh huyện Thoại Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án” – ông Trần Anh Tài, một thương nhân chuyên xuất cá sang CPC, cho biết.


Kiểm  tra cá trước đi đưa qua cửa khẩu


Mặt hàng cá lóc từ 300 - 500 gram/con được tiêu thụ mạnh nhất

Nếu ở khu vực ĐBSCL, thủy - hải sản của Việt Nam xuất sang CPC bằng đường bộ và đường thủy thì ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, cá còn lên cả máy bay sang CPC. Tuy nhiên, hình thức xuất hàng này chỉ dành cho các mặt hàng có giá trị cao như tôm hùm, hải sâm... “Việc mua bán giữa chúng tôi và thương nhân CPC chủ yếu dựa vào chữ “tín”. Hai bên luôn cần nhau nên khâu thanh toán cũng dễ dàng. Có khi, phía bạn trả tiền ngay sau khi nhận hàng, cũng có khi thiếu lại vài ngày. Một số thương lái khác thì chọn hình thức thanh toán qua ngân hàng”- chị Huỳnh Thị Nhé, một thương nhân chuyên xuất cá sang CPC, nói.

Thời gian gần đây, để ổn định nguồn hàng xuất khẩu, thương nhân 2 nước đã liên kết với nông dân nuôi cá tạo thành một chuỗi liên kết khép kín từ nuôi đến tiêu thụ. Cá nuôi của nông dân ĐBSCL hiện không chỉ bán cho các chợ truyền thống, mà đã xuất sang CPC để mang ngoại tệ về cho đất nước. Hành trình đưa cá nuôi trở về “Vương quốc cá” mở ra cơ hội lớn cho ngư dân trong việc nuôi mặt hàng cá chợ để xuất khẩu, tạo thêm việc làm cho người dân.

Những năm gần đây, xuất khẩu cá tra gặp khó, doanh nghiệp đưa cá quay lại thị trường nội địa đã làm cho các mặt hàng cá chợ như điêu hồng, lóc, rô, trê... bị “dội chợ”, rớt giá. Trước bối cảnh này, việc thương lái 2 nước đưa mặt hàng cá chợ sang khắp CPC đã góp phần giải quyết đáng kể lượng cá dôi dư tại thị trường nội địa” – ông Đỗ Văn Nghịệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Thủy sản AFA, khẳng định.

Minh Hiển Báo An Giang, 11/02/2016