TIN THỦY SẢN

Hoa của đất

Nhập cá nguyên liệu tại HTX Thiên Phú. THÀNH CHÂU

Mỗi người một hoàn cảnh, xuất phát điểm khác nhau, nhưng những người phụ nữ lam lũ một thời trên vùng quê nghèo Hà Tĩnh đều khát khao vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Các chị chính là hoa của đất.

Quyết chí làm giàu

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) Ðặng Văn Hiển dẫn chúng tôi về làng cá Thạch Kim, gặp nữ Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) chế biến xuất, nhập khẩu thủy, hải sản Thiên Phú Phạm Thị Nhơn. Chị Nhơn nổi danh cách đây 16 năm về trước khi tự mình xây dựng kho cấp đông công suất 15 tấn đầu tiên ở làng cá Thạch Kim. Chị  kể rằng:"Xuất thân từ người chuyên nướng cá đi bán ở các chợ, cả gia tài cộng vốn vay ngân hàng 40 triệu đồng, tui phải ngược xuôi vay mượn thêm 80 triệu đồng nữa để xây kho. Khó khăn về vốn liếng, kỹ thuật, lại còn lo thuốc thang cho chồng đau ốm lâu dài, nhưng tui không nhụt chí". Không lùi bước trước những trở ngại, sau hai năm, chị Nhơn lại xây kho đông lạnh thứ hai với công suất và số vốn gấp hai lần. Và cũng từ đây, chị Nhơn mở ra phong trào làm kho đông lạnh ở làng cá Thạch Kim.

Năm 2010, chị Nhơn đứng ra thành lập HTX Thiên Phú với 11 thành viên, đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng Nhà máy chế biến bột cá công suất 100 tấn cá/ngày tại cảng cá Thạch Kim. Chị Nhơn cho hay: "Tuy vốn đầu tư lớn, nhưng tui được hỗ trợ vay vốn hơn một nửa từ chính sách hỗ trợ của tỉnh và ngân hàng". Từ đó, nhà máy chế biến bột cá được hình thành và đi vào hoạt động ổn định. Hiện, doanh thu của HTX đạt từ sáu đến tám tỷ đồng/tháng. Ðể HTX hoạt động đều đặn, ở tuổi 57, chị Nhơn phải thức dậy từ 4 giờ sáng để tổ chức thu mua hải sản từ những chuyến tàu đầu tiên cập bến. Một ngày làm việc của chị từ 13 đến 15 tiếng đồng hồ để lo cho cả trăm lao động có việc làm từ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Gặp vợ chồng anh Trần Ðình Hường và chị Lê Thị Tình, một trong những người đã gắn bó 16 năm ở HTX Thiên Phú và chủ tàu cá 45 CV Nguyễn Xuân Thiện, mọi người đều có suy nghĩ: Bà con làng cá chúng tôi mang ơn chị Nhơn nhiều lắm và học ở chị ý chí thoát nghèo, vươn lên làm giàu!

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà hai tầng mới, khang trang kiêm trụ sở HTX, "Vua nghêu" Lê Thị Loan, 33 tuổi, thôn Lâm Châu, xã Thạch Châu (Lộc Hà) ngượng nghịu kể về hành trình gian khó vươn lên của mình. Cách đây 10 năm, hai vợ chồng nghèo phải vừa làm nghề chèo thuyền vừa làm "phu đá" ở núi Nam Giới. Khi chuyển sang khởi nghiệp bằng nghề mua bán con nghêu chị chỉ có vỏn vẹn 500 nghìn đồng tiền vốn. Khác với mọi người, mua được mớ nghêu nào, chị Loan chịu khó lựa con nhỏ đem thả xuống bãi bồi sông Cửa Sót cách nhà không xa để nuôi... Việc làm ăn của chị thuận lợi hơn khi Hội Phụ nữ và ngân hàng cho vay vốn tiếp sức. Ðang làm ăn phát triển, năm 2008, bãi nghêu tiền tỷ chuẩn bị thu hoạch bị lũ trái mùa tràn về làm mất trắng, vợ chồng chị tính nước bán nhà để trả nợ. Ðược các cấp hội và bà con cho vay 240 triệu đồng, chị Loan mới có điều kiện gây dựng lại. Năm 2012, chị Loan đứng ra thành lập HTX nuôi trồng, thu mua chế biến xuất, nhập khẩu thủy, hải sản Loan Hoan. Với 30 ha bãi bồi nuôi nghêu, HTX được tỉnh hỗ trợ cho vay lãi suất thấp 600 triệu đồng để tổ chức nuôi nghêu bài bản và mở rộng việc kinh doanh ra ngoài tỉnh (từ Nghệ An vào đến Ðà Nẵng). Năm 2012, HTX đạt doanh thu hơn 4,5 tỷ đồng (cao gấp hai lần so với năm 2011), lãi gần ba tỷ đồng. Niềm vui lớn đối với chị Loan là hàng chục người dân ở vùng cát trắng Thạch Châu tham gia hoạt động dịch vụ HTX Loan Hoan đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Trước khi chia tay, chị Loan khoe: Từ ngày mồng 6 Tết đến nay, ngày nào HTX cũng đạt doanh thu từ 20 đến 30 triệu đồng tiền nghêu.

Với mong muốn cuộc sống khá giả, dù chưa biết gì về buôn bán, chị Nguyễn Thị Hạnh đã chung vốn buôn bán thức ăn nuôi tôm. Có người cho là gàn khi thấy chị thuê chuyên gia và một ha mặt nước của Công ty nuôi tôm Việt Mỹ đã đổ bể. Ðến năm sau, chị lại thuê thêm một ha nữa và thành lập doanh nghiệp nuôi tôm. Sau năm năm bước vào nghề, chị Hạnh tự tin thuê 113 ha ao hồ của Công ty Việt Mỹ. Ðến nay, chị Hạnh không hổ danh với danh hiệu "Vua tôm", khi một nửa diện tích mặt nước thuê đã cho thu hoạch hơn 300 tấn tôm, doanh thu gần 40 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 25%; giải quyết việc làm cho 50 lao động thường xuyên, trong đó có nhiều kỹ sư nuôi trồng...

Ngược lên xã miền núi Phúc Trạch (Hương Khê) chúng tôi gặp  chủ trang trại chăn nuôi Trần Thị Khang. Từ số vốn 20 triệu đồng vay từ Quỹ vì phụ nữ nghèo và xây dựng nông thôn mới cùng lưng vốn dành dụm được, chị Khang cùng gia đình đã gây dựng nên trang trại chăn nuôi cho thu nhập gần một tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 10 chị em nghèo với thu nhập vài triệu đồng/tháng. Hiện, trang trại có hơn 500 con lợn nái và thương phẩm cùng 300 cây cam trĩu quả, 1.000 cây gió trầm, ba ao cá, vài trăm con gà. Thành công được như ngày hôm nay, theo chị Khang là nhờ có sự quan tâm giúp đỡ của Hội Phụ nữ các cấp luôn tạo điều kiện cho chị em tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật, tư vấn, hướng dẫn tận tình trong giai đoạn bắt đầu xây dựng mô hình...

Ở tỉnh Hà Tĩnh còn xuất hiện những doanh nghiệp nữ khá nổi tiếng như Công ty Châu Tuấn, ở thị trấn Xuân An (Nghi Xuân), Giám đốc là giáo dân Bạch Thị Hường, từ đi thu mua lạc xuất khẩu, đến nay chị đầu tư cơ sở sản xuất bao bì xuất khẩu, kinh doanh thương mại dịch vụ; nữ Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Ðức Nguyễn Ánh Ngà có trong tay 14 khách sạn, cửa hàng đại lý xe máy; hay nữ Giám đốc Công ty TNHH Quyết Thắng Trần Thị Hồng, khối 18, thị trấn Hương Khê quản lý 30 đầu xe khách, trong đó có 10 xe giường nằm... Tuy tình hình kinh tế gặp khó khăn nhưng các nữ giám đốc này đều duy trì hoạt động của doanh nghiệp có hiệu quả, bảo đảm việc làm cho hàng trăm lao động với doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm...

Ðiểm tựa từ xây dựng nông thôn mới

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: Cùng với nghị lực bản thân, các chủ doanh nghiệp nữ luôn được các cấp ủy, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể, trong đó có Hội phụ nữ các cấp và ngân hàng đồng hành. Thời gian qua, Hội Phụ nữ các cấp đã tín chấp, ủy thác qua các ngân hàng hơn 1.700 tỷ đồng, giúp người dân được vay vốn làm ăn. Riêng Hội Phụ nữ đã dành hơn 60 tỷ đồng từ các nguồn quỹ của hội để quay vòng hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình... Ðặc biệt, qua hai năm thực hiện mô hình nông thôn mới (NTM) ở Hà Tĩnh, Hội đã phối hợp Văn phòng điều phối NTM của tỉnh tập trung vào công tác tập huấn, hướng dẫn các chính sách của địa phương. Liên minh HTX tư vấn lựa chọn, quyết định mô hình sản xuất phù hợp năng lực, thế mạnh và điều kiện cụ thể của gia đình, hợp tác xã và địa phương. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn như: Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty CP Việt Nam... hỗ trợ từ cây, con giống, kỹ thuật, đến bao tiêu sản phẩm. Chị Hoàng Thị Châu, ở thôn Kim Tiến, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh cho biết: Nếu không có chính sách hỗ trợ của tỉnh cùng hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm của Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, chúng tôi không dám đầu tư trang trại chăn nuôi có số vốn lên đến hơn 12 tỷ đồng với quy mô 500 con lợn giống siêu nạc, 1.000 con lợn thương phẩm, 2.000 con gà... Hội Phụ nữ còn là cầu nối cho chị em trong tỉnh hoàn tất thủ tục hành chính như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, vay vốn... Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các cấp đã chủ động phối hợp các địa phương đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, hỗ trợ công cụ sản xuất ở những vùng tái định cư của các dự án trọng điểm như: máy chế biến đậu phụ, làm mứt, cắt rơm, sấy nấm, máy tách hạt... Với sự hỗ trợ tích cực của các cấp hội và ý chí vươn lên làm giàu của các hội viên, hai năm qua, Hà Tĩnh đã xây dựng được 74 tổ hợp tác, HTX cùng 873 mô hình do phụ nữ làm chủ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Trong đó, có hơn 100 mô hình chăn nuôi lợn có quy mô lớn từ 50 đến 800 con/lứa cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/năm. Riêng năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh đã nhân rộng được 132 mô hình phát triển kinh tế, thành lập 55 tổ hợp tác, HTX vệ sinh môi trường, tín dụng, chăn nuôi, dịch vụ, làng nghề...

Với khát khao vượt khó vươn lên của các nữ doanh nhân, đã phần nào phản ánh sự phát triển kinh tế-xã hội khá sinh động của tỉnh nghèo Hà Tĩnh, góp phần tác động đến lực lượng lao động nữ ở khu vực nông thôn, làm thay đổi cơ bản cuộc sống của những vùng quê nghèo.

THÀNH CHÂU Nhân dân