TIN THỦY SẢN

Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2015-2025

Thu Hiền

Sáng ngày 22/9/2015, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn, cùng sự tham dự của các đại diện Tổng cục Thủy sản, IUCN, WWF, Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Trường đại học Quốc gia… đã diễn ra cuộc họp xây dựng kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2015-2025. Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi và thống nhất nội dung dự thảo về kế hoạch bảo tồn rùa biển dự kiến sẽ được Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT phê duyệt vào thời gian tới.

Theo báo cáo của Tổ công tác xây dựng Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2015-2015, biển Việt Nam hiện nay có 5 loài rùa biển sinh sống gồm: vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, quản đồng và rùa da. Tất cả các loài rùa biển đều nằm trong Danh sách đỏ, là danh sách các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam.

Trước thực trạng đó, năm 2004, Bộ Thủy sản (cũ) đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn rùa biển Việt Nam đến năm 2010, góp phần thực hiện chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn biển nói riêng. Đây là bản kế hoạch hành động quốc gia về một loài sinh vật đầu tiên của Việt Nam và đã đạt được kết quả tốt.

Tuy nhiên, bản kế hoạch này đến năm 2010 đã hết hiệu lực thi hành và các quần thể rùa tại Việt Nam tiếp tục đứng trước các thách thức, bao gồm: 1/Các quần thể biển sinh sản tiếp tục bị suy giảm về cả số loài, số cá thể trong loài và khu vực lên đẻ; 2/Số lượng rùa biển bị đánh bắt không chủ ý ngày càng tăng; 3/Hiện tượng đánh bắt, buôn bán, tiêu thụ rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển bất hợp pháp vẫn còn diễn ra tại các địa phương; 4/Nơi sinh sống và kiếm ăn của rùa biển tiếp tục bị suy thoái; 5/Công tác quản lý, bảo tồn đa Adạng sinh học nói chung và rùa biển nói riêng còn hạn chế.

Để giải quyết các thách thức đó, việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2015-2020 là hết sức cần thiết và cấp bách.

Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là bảo Qtồn, bảo vệ và quản lý bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh sống của chúng tại Việt Nam và từng bước hồi phục, phát triển các quần thể đó. Bản Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn.

Giai đoạn 2015-2020: Tiến hành công tác bảo tồn, bảo vệ rùa biển và quản lý các bãi đẻ của rùa biển tại các khu vực Côn Đảo, Núi Chúa, Bái Tử Long, Cô Tô, Hòn Cau,… Nghiên cứu và giảm thiểu các tác nhân gây tử vong cho rùa biển, đặc biệt ưu tiên vấn đề đánh bắt có chủ ý và không chủ ý. Hoạt động giám sát, quản lý được tăng cường, đặc biệt tại các khu bảo tồn biển và vùng biển xa bờ. Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của rùa biển Việt Nam. Nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về việc bảo tồn rùa biển. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ, bảo tồn rùa biển. Tăng cường hợp tác trong nước, khu vực và quốc tế về nghiên cứu, bảo vệ và quản lý rùa biển…

Giai đoạn 2020-2025:  Thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả các trạm cứu hộ rùa biển tại các Khu bảo tồn biển và Vườn quốc gia có hợp phần bảo tồn biển; Bảo vệ nơi sinh sống của rùa biển tại khu vực ven bờ, xa bờ, thành lập các Khu bảo tồn Rùa biển tại các vùng biển ven bờ và hạn chế khai thác thủy sản tại các khu vực đó; Áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới trong phục hồi các quần thể rùa biển, ưu tiên nâng cao chất lượng rùa biển non tại các bãi đẻ nhằm giảm tỷ lệ tử vong trong giai đoạn đầu vòng đời.

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan, đơn vị đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn chỉnh nội dung bản Kế hoạch, trong đó các ý kiến đề xuất bổ sung một số nội dung như: làm rõ hơn tính cấp thiết của việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2015-2025; Đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch; Nêu rõ cơ chế xử phạt vi phạm; Tăng tính hiệu lực thi hành về mặt pháp lý đối với Kế hoạch; Mở rộng đối tượng tuyên truyền; Giải quyết vấn đề về kinh phí thông qua lồng ghép triển khai các hoạt động khác…

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Phạm Anh Tuấn ghi nhận và đồng tình với các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời chỉ đạo Tổ công tác Xây dựng Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển cần nhanh chóng bổ sung, chỉnh sửa, sớm hoàn thiện để trình Bộ trưởng Bộ NN và PTNT phê duyệt. Ngoài ra, Phó Tổng cục trưởng cũng đề xuất việc xây dựng nhiệm vụ hành động phải bám vào mục tiêu hành động, dựa trên việc đánh giá hiện trạng. Về tổ chức thực hiện, cần bổ sung thêm nhiệm vụ của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, phải làm rõ đơn vị đầu mối trong việc phối hợp với các bộ ngành. Về kinh phí, không phụ thuộc hoàn toàn vào kinh phí của Chính phủ mà chủ động lồng ghép các chương trình khác, huy động kinh phí từ hợp tác quốc tế…

Thu Hiền Fistenet, 22/09/2015