TIN THỦY SẢN

Khánh Hòa: Sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương

Sử dụng thức ăn công nghiệp cho ốc hương. TH

Gần đây, nghề nuôi ốc hương khá phát triển tại các tỉnh ven biển miền Trung, nhất là Khánh Hòa. Tuy nhiên, hiện người nuôi đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ môi trường nuôi, dịch bệnh, mà nguyên nhân xuất phát từ nguồn thức ăn tươi sống.

Để nâng cao năng suất, hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3 đã tiến hành đề tài thử nghiệm sản xuất thức ăn công nghiệp dành cho ốc hương. Sau gần 2 năm triển khai, kết quả bước đầu được đánh giá khả quan.

Khánh Hòa là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi ốc hương. Hiện trung bình mỗi năm, Khánh Hòa cung cấp ra thị trường hơn 4.000 tấn ốc hương, chiếm hơn 60% sản lượng ốc hương của cả nước. Tuy nhiên, nghề nuôi ốc hương ở Khánh Hòa đang phải đối mặt với nhiều rủi ro do ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh. Thức ăn chính của ốc hương là cua, cá, tôm, ghẹ... và chính nguồn thức ăn tươi này rất dễ lây bệnh sang ốc hương. Mặt khác thức ăn tươi còn gây ra ô nhiễm nguồn nước làm ốc hương bị dịch bệnh. Do đó, việc nghiên cứu ra loại thức ăn công nghiệp cho ốc hương là vấn đề cấp thiết. 

Thức ăn công nghiệp cho ốc hương gồm nhiều thành phần như: bột cá, bột giáp xác, bột ngũ cốc và một số khoáng chất, vitamin... Loại thức ăn này đang được đưa vào thử nghiệm cho thấy hiệu quả hơn hẳn thức ăn tươi sống trong cách nuôi truyền thống. Ốc hương tăng trưởng nhanh và ít bệnh hơn, tỉ lệ sống lên đến 90%.

Thạc sỹ Trần Thị Thu Hiền, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3, chủ nhiệm đề tài cho biết: "Nghiên cứu về thức ăn công nghiệp cho ốc hương phối hợp với việc bổ sung các enzyme để cải thiện khả năng tiêu hóa và hỗ trợ hệ enzyme trong đường ruột cho ốc hương nhờ đó tăng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay bà con nông dân nuôi với năng suất 6 - 7 tấn/ha, nhưng khi sử dụng thức ăn tổng hợp này có thể tăng năng suất lên trên 10 tấn/ha - 15 tấn/ha trong điều kiện nuôi công nghiệp."


So với thức ăn tươi sống, nuôi ốc hương với thức ăn công nghiệp dành cho ốc hương còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khắc phục dịch bệnh lây từ thức ăn tươi sang ốc hương, không phải dùng kháng sinh hay hóa chất, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ xuất khẩu, giúp nghề nuôi ốc hương phát triển bền vững hơn. Dùng thức ăn công nghiệp còn giúp nâng mật độ nuôi ốc hương lên gấp 2 - 3 lần so với nuôi bằng thức ăn tươi sống, đặc biệt kết hợp nuôi trong bể có hệ thống tuần hoàn khép kín. 

Theo Thạc sỹ Hoàng Văn Duật: "FCR thức ăn cho ốc hương là 1,5, có nghĩa là 1,5 kg thức ăn sẽ được 1kg ốc và giá thức ăn khoảng 40.000 - 45.000đ thì giá thành cũng tương đương với thức ăn tươi do đó tính khả thi của đề tài rất cao."

Hiện nay, loại thức ăn công nghiệp cho ốc hương đã được đua vào thử nghiệm ở một số vùng nuôi thuộc huyện Vạn Ninh và TP Nha Trang với những kết quả ban đầu rất tích cực. Thành công này sẽ tạo tiền đề cho Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3 phổ biến loại thức ăn này đến với người nuôi ốc hương 

TH KTV.ORG