TIN THỦY SẢN

Kiên Giang: Mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số tăng mạnh

Quan trắc môi trường vùng nuôi thủy sản Chi cục Chăn nuôi Thú y

Đó là kết quả phân tích chất lượng nước tại 20 điểm đầu nguồn cấp nước cho các vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm của 09 huyện, thành phố trong tỉnh Kiên Giang và 09 điểm ở 03 vùng nuôi cá lồng bè tập trung của các xã Hòn Nghệ, Tiên Hải, Nam Du.

Kết quả quan trắc môi trường tỉnh Kiên Giang đợt 08 năm 2019 (Ngày quan trắc 08/4/2019) cụ thể như sau:

1. Vùng U Minh Thượng

Nhiệt độ: 28 - 31oC, pH: 7,3 - 8,4, độ mặn: 10 - 33‰, độ trong: 25 - 60 cm, độ kiềm: 35,8 - 143,2 mg/l, oxy hòa tan (DO): 4,0 - 5,0 mg/l, ammonia: 0 - 0,08 mg/l, tiêu hao oxy sinh học (BOD5): 2,898 - 5,679 mg/l. Phần lớn các chỉ tiêu hóa, lý môi trường nước tại các điểm quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép.  Ngoại trừ có một số điểm hàm lượng nitrite và phosphate vượt ngưỡng.

2. Vùng Tây sông Hậu

Nhiệt độ: 30 - 31oC, độ mặn: 7,0 - 11‰, độ trong: 38 - 40 cm, độ kiềm: 71,6 mg/l, hàm lượng oxy hòa tan (DO): 3,0 - 3,5 mg/l, nitrite: 0,002 mg/l, ammonia: 0 mg/l, phosphate 0,002 - 0,003 mg/l, tiêu hao oxy sinh học: 4,305 - 4,489 mg/l, hầu hết các yếu tố nói trên đều trong ngưỡng giới hạn cho phép đối với sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.

3. Vùng Tứ giác Long Xuyên

Nhiệt độ: 29 - 32oC, độ mặn: 17 - 26‰, pH: 7,5 - 8,1, độ trong: 30 - 40 cm, độ kiềm: 71,6 - 89,5 mg/l, oxy hòa tan (DO): 5,0 mg/l, ammonia: 0 - 0,03 mg/l, nitrite: 0 - 0,25 mg/l, phosphate: 0 - 0,25 mg/l, tiêu hao oxy sinh học (BOD5): 3,872 - 5,084 mg/l. Hầu hết thông số đo các chỉ tiêu lý hóa tại các điểm quan trắc nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép và thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của tôm nước lợ;

4. Vùng nuôi cá lồng bè tập trung của xã Hòn Nghệ - Kiên Lương

Nhiệt độ: 31oC, độ mặn: 24‰, oxy hòa tan (DO): 7,5 - 8,0 mg/l, hàm lượng NH4+: 0 - 0,05 mg/l, hàm lượng nitrite: 0 - 0,01 mg/l, phosphate: 0 - 0,1 mg/l, hầu hết các chỉ tiêu quan trắc nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép và thích hợp cho cá nuôi lồng bè phát triển.

Mật độ vi khuẩn Vibrio.sp dao động từ 60 - 405 cfu/ml, nằm trong ngưỡng giới hạn và thích hợp cho cá nuôi lồng bè phát triển (< 1.000 cfu/ml).

5. Vùng nuôi cá lồng bè tập trung của xã Tiên Hải - Tp. Hà Tiên

Nhiệt độ: 31oC, độ mặn: 27‰, oxy hòa tan (DO): 6,5 - 7,0 mg/l, hàm lượng NH4+: 0 mg/l, hàm lượng nitrite: 0 mg/l, phosphate: 0,1 mg/l, hầu hết các chỉ tiêu quan trắc nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép và thích hợp cho cá nuôi lồng bè phát triển.

Mật độ vi khuẩn Vibrio.sp dao động từ 425 - 1.150 cfu/ml, vượt ngưỡng giới hạn cho phép và không thích hợp cho cá nuôi lồng bè phát triển tại điểm quan trắc Trung tâm vùng nuôi ở Bãi Nam (> 1.000 cfu/ml).

6. Vùng nuôi cá lồng bè tập trung của xã Nam Du - Kiên Hải

Nhiệt độ: 32oC, độ mặn: 30‰, oxy hòa tan (DO): 8,5 mg/l, hàm lượng NH4+: 0,05 mg/l, hàm lượng nitrite: 0,025 mg/l, phosphate: 0 mg/l, hầu hết các chỉ tiêu quan trắc nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép và thích hợp cho cá nuôi lồng bè phát triển.

Mật độ vi khuẩn Vibrio.sp dao động từ 60 - 785 cfu/ml, nằm trong ngưỡng giới hạn và thích hợp cho cá nuôi lồng bè phát triển (< 1.000 cfu/ml).

7. Nhận định và khuyến cáo chung

* Nhận định:

- Tại một số điểm quan trắc vẫn còn tồn tại một số bất lợi, cần phải lưu ý, xử lý như: độ kiềm thấp (1/20 điểm), hàm lượng oxy hòa tan thấp (1/29 điểm) hàm lượng nitrite cao vượt ngưỡng (12/29 điểm), hàm lượng phosphate cao vượt ngưỡng (9/29 điểm).

- Mật độ Vibrio tổng số tăng mạnh, lưu ý mật độ cao đột biến tại các điểm quan trắc của huyện Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành là 1.620 - 10.830 CFU/ml.

- Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus hiện diện trong 18/20 kênh cấp nước được quan trắc, mật độ tăng cao so với đợt quan trắc trước và vượt ngưỡng 1.000 CFU/ml tại 8/20 điểm quan trắc: bến phà Xẻo Rô (An Biên), kênh Cây Gõ, cầu Kinh 5 (An Minh), kênh 80 Thước (Vĩnh Thuận), Vàm Rạch Tốt, Vàm Cả Mới Lớn (Gò Quao), cống Vàm Rầy (Hòn Đất), cầu Đồng Hòa (Giang Thành), không thích hợp cho hoạt động nuôi tôm nước lợ.

* Giám sát dịch bệnh thụ động:

Từ ngày 27/3 - 10/4/2019 phát hiện thêm 26 ổ dịch bệnh Đốm trắng, Hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi với diện tích thiệt hại là 42,1 ha. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 61 ổ dịch bệnh đốm trắng, 12 ổ dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (tại 39 ấp, 21 xã, 9 huyện) với tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ghi nhận được là 370,073 ha (WSD 165,94 ha, AHPND 12,933 ha, nguyên nhân khác 191,2 ha.

Chi cục đã xuất cấp miễn phí 8.670 kg hóa chất sát trùng Chlorine cho 55 hộ nuôi có tôm bị bệnh để bao vây, tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế lây lan.

* Khuyến cáo:

(1) Đối với nuôi tôm nước lợ:

Hiện nay nắng nóng gay gắt, độ mặn kênh cấp cao, cùng với việc xuất hiện một số cơn mưa trái mùa, mực nước trong ao rất thấp, nhiều rong, tảo (tảo giáp, tảo lam, rong mền, xác thực vật,…) trong khi hầu hết người dân không bố trí ao lắng, trữ nước để xử lý trước khi cấp vào ao. Vì vậy nhiều ao bị thiếu nước, hàm lượng oxy thấp, ô nhiễm khí độc H2S, NH3, … nên nguy cơ xảy ra thiệt hại do môi trường, dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao (nhất là đối với các khu vực nuôi tôm quảng canh cải tiến ở vùng U Minh Thượng). Do đó, để bảo vệ diện tích nuôi tôm đã thả giống người nuôi cần phải thực hiện tốt:

- Cập nhật kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang về chất lượng nước để lấy nước có chất lượng tốt vào ao.

- Cần bố trí ao chứa, lắng để dự trữ nước và xử lý diệt khuẩn thật kỹ trước khi đưa vào ao nuôi, duy trì mực nước trong ao thích hợp nhất là đối với hình thức nuôi tôm-lúa, quảng canh, quảng canh cải tiến phải duy trì độ cao mực nước tối thiểu 0,3 - 0,5 mét tính từ mặt trảng để hạn chế sự biến động của các yếu tố môi trường gây sốc cho tôm và bù trừ sự bốc hơi nước trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

- Dự báo thời tiết trong cuối tháng 4 tiếp tục có nắng nóng gay gắt, cùng với việc xuất hiện những cơn mưa trái mùa vào buổi chiều – tối gây biến đổi đột ngột các yếu tố môi trường trong ao nuôi làm tôm nuôi bị sốc, suy giảm sức đề kháng và mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Do đó, người nuôi cần bón vôi quanh ao trước và sau cơn mưa để duy trì hệ đệm cũng như ổn định pH trong ao. Trong cơn mưa lớn cần tăng cường quạt nước, sục khí ao nuôi để xáo trộn nước hoặc rút bớt nước tầng mặt để tránh hiện tượng phân tầng. Sau cơn mưa cần giảm lượng thức ăn và bổ sung thêm các yếu tố vi lượng, khoáng, vitamin để tăng sức đề kháng cho tôm;

 - Đối với những vùng nuôi có mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus ở trên các kênh cấp nước cao, sau khi lấy nước vào ao chứa, lắng cần xử lý diệt khuẩn thật kỹ bằng các loại hóa chất được phép lưu hành trước khi cấp vào ao nuôi.

- Duy trì: Độ kiềm từ 90 - 130 mg/l đối với tôm sú và 100 - 150 mg/l đối với tôm chân trắng; độ pH thích hợp cho tôm nuôi phát triển là 7,5 - 8,5 và biến thiên pH trong ngày không quá 0,5; hàm lượng nitrite phải <0,05 mg/l.

- Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của tôm, kiểm tra các yếu tố môi trường để kịp thời điều chỉnh nếu cần và khi phát hiện tôm nuôi bị bệnh hoặc biểu hiện bất thường nên báo ngay cho cán bộ thú y địa phương, các hộ nuôi xung quanh, tuyệt đối không được xả nước, tôm của ao nuôi bị bệnh ra ngoài môi trường nếu chưa qua xử lý để tránh lây lan trên diện rộng. Đối với các hộ nuôi đã có tôm bị bệnh được hỗ trợ hóa chất để xử lý cần tuân thủ cách ly ao bệnh trong 21 ngày, cải tạo ao thật kỹ trước khi thả nuôi tiếp.

- Áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh 02 hoặc 03 giai đoạn nhằm hạn chế dịch bệnh, đảm bảo ATTP; đẩy mạnh ứng dụng KHCN, kỹ thuật tiên tiến.

(2) Đối với các hộ nuôi cá lồng bè:

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên cá nuôi lồng bè, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn một số biện pháp như sau:

- Các địa phương có quy hoạch nuôi cá lồng bè ven biển, đảo cần thực hiện đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Hướng dẫn người nuôi phải giám sát chặt chẽ tình hình môi trường nước vùng nuôi, thường xuyên theo dõi sức khỏe của cá, phân công người trực canh bè để kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường của môi trường nước và đưa ra giải pháp ứng phó thích hợp nhằm hạn chế thiệt hại.

- Thường xuyên vệ sinh lưới lồng, theo dõi tình hình sức khỏe của cá, bổ sung thêm vitamin C, khoáng vi lượng vào thức ăn cho cá ăn để nâng cao sức đề kháng, chống sốc.

Chi cục Chăn nuôi Thú y SNNPTNT Kiên Giang