TIN THỦY SẢN

Lại chuyện ở bãi nghêu

Người dân khai thác nghêu giống ở ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đặng Duẩn - Nhật Minh

Mỗi năm chính quyền địa phương đều ra sức tuyên truyền, quản lý an ninh trật tự, nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng cào nghêu giống trái phép, nhưng xem ra không mấy hiệu quả.

Những ngày này, một đoạn bãi biển tại ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển nhộn nhịp hẳn. Mùa nghêu giống bắt đầu, người dân “tranh thủ” ra cào về dèo lại hoặc bán trực tiếp. Đây là bãi nghêu giống tự nhiên xuất hiện hàng năm, việc cào nghêu là trái phép nhưng vì cuộc sống mà người dân vẫn đổ xô về đây, có lúc lên đến hàng ngàn người.

Chứng kiến cảnh tượng này hàng năm, anh Đinh Hoàng Hôn, sống ở ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, chỉ cười khi nói chuyện về bãi nghêu: “Chỉ vài ngày mà có người kiếm được vài chục triệu đồng từ việc cào nghêu giống. Tôi không cào vì không có nhân lực, với lại cũng đang làm nghề đặt lú”.

Tuy nhiên, anh Hoàng Hôn cũng thật thà thông tin là nghề đặt lú của anh cũng... trái phép luôn, lắm lúc bị phạt hành chính đến hơn chục triệu đồng vì đặt “nhầm” trong địa phận Vườn Quốc gia. Thế nhưng, bị phạt thì chịu phạt còn đặt lú anh cứ đặt. Vì mưu sinh buộc anh phải thế.

Đa phần dân địa phương trong khu vực anh sống, ngoài đặt lú, đi biển mò cua bắt ốc, đến mùa nghêu giống lại ra cào thì chẳng còn việc gì khác để làm kiếm thêm thu nhập. Mùa nghêu giống chỉ có vài tháng, nhưng mang lại lợi ích kinh tế lớn nên họ tranh thủ.

Đang cào nghêu tại bãi bồi, ông Nguyễn Văn Dương cho biết: “Tôi cào nghêu hơn 3 năm rồi, tới mùa thì ra đây kiếm sống. Những mùa khác thì đi làm biển thôi. Chính quyền không cho cào, họ vận động, tuyên truyền dữ lắm, nhưng ở đây nhiều người đều cào nghêu khi đến mùa nên mình cũng làm”.

Đồ nghề của những người đang miệt mài trên bãi nghêu này khá đơn giản, chỉ cần vỏ máy và tấm lưới kéo là đủ. 2 người thành “1 đội”, người chạy máy, người còn lại sử dụng bầu hút tự chế để khai thác nghêu giống. Cứ thế họ lang thang khắp bãi nghêu giống (từ Hang Mai đến Vàm Xoáy) từ sáng sớm khi nước ròng, đến lúc nước lớn, gió nhiều thì vào.

Mỗi ngày như thế họ có thể kiếm được vài trăm ngàn, thậm chí cả triệu đồng hoặc nhiều hơn tuỳ thời điểm. Những năm trước, bãi nghêu thường xảy ra tranh chấp, chủ yếu là với Hợp tác xã (HTX) nghêu giống Đất Mũi, thậm chí đánh nhau vì xung đột quyền lợi. Nhưng năm nay tình hình có vẻ ổn. Anh Bùi Khánh Linh nói: “Hiện bãi nghêu này toàn dân địa phương cào, chúng tôi xem đây như là của chung, ai cào được nhiêu thì cào, không có tranh chấp hay cự cãi gì”.

Vuờn Quốc gia Mũi Cà Mau phối hợp cùng Công an huyện Ngọc Hiển tổ chức tuần tra, kiểm soát bãi nghêu giống, tuyên truyền người dân không được khai thác nghêu giống, cá kèo giống trong địa bàn của vườn. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cũng đã mời một số hộ dân trên địa phận tuyên truyền về việc bảo vệ tài nguyên rừng, biển kết hợp với giữ an ninh trật tự tại khu vực bãi nghêu, tránh trường hợp tranh chấp khai thác nghêu giống gây mất an ninh trật tự. Và theo báo cáo của Phó giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Tiêu Minh Luân, tình hình đến nay “ổn định, không xảy ra tranh chấp”.


Ông Nguyễn Văn Dương cho biết, ông cào nghêu ở đây đã 3 mùa rồi, dù chính quyền địa phương không cho phép nhưng vì mưu sinh nên phải làm để kiếm sống.

Thực tế những người cào nghêu khi tiếp xúc với chúng tôi rất thân thiện và cởi mở. Anh Đinh Hoàng Hôn cho biết: “Cuộc sống ở đây khó khăn nên đến mùa họ cào nghêu giống bán thôi". Người dân ấp Rạch Thọ đa phần là người tứ xứ về đầy sinh sống bằng nghề biển, nhưng đánh bắt ven bờ, cào nghêu giống không được khuyến khích, thậm chí là vi phạm pháp luật, tuy nhiên, vì cuộc sống họ không còn cách nào khác. Nuôi trồng thì giờ không mấy hiệu quả nữa. Anh Đinh Hoàng Hôn từ Bạc Liêu về đây sinh sống, lấy vợ, sinh con tại mảnh đất này từ khi xóm rẫy còn sung túc nên đã chứng kiến biết bao chuyện vui, buồn của bà con.

Chỉ tay về mấy gốc thanh long cằn cỗi, chưa thể cho trái, anh Hoàng Hôn cho biết: “Giờ không thể làm rẫy được, từ lúc bờ đê bị lở mất thì xóm rẫy ở đây cũng mất theo. Muốn làm mô hình kinh tế nào khác ngoài đi biển, đánh bắt ven bờ, xem ra không thể nữa”. Có thể đây là lý giải cho việc cứ đến mùa nghêu giống hàng năm, khu vực bãi bồi này lại nóng đến vậy, hàng ngàn người ùn ùn kéo về cào nghêu bất chấp nỗ lực tuyên truyền của ngành chức năng. Việc ngăn cấm họ khai thác gần như là không thể, chính quyền, ngành chức năng giờ chỉ còn cách tuyên truyền và giữ gìn an ninh trật tự.

Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng không có giải pháp nào bền vững, đáp ứng được nguyện vọng của các bên liên quan. Thành lập HTX, quy hoạch lại bãi nghêu tưởng là hiệu quả nhưng đây lại là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất. Người nghèo khó vào được HTX bởi họ không tiền đầu tư, mà khi không vào được thì họ cứ khai thác, bởi đây được họ xem là “ngư trường truyền thống” của mình từ lâu.

Không ai chấp nhận được nguồn lợi tự nhiên nhưng người được khai thác, người không. Sẽ không là muộn nếu ngành chức năng thực sự quan tâm, quy hoạch hợp lý để nguồn lợi tự nhiên này thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo. Một HTX mà ở đó tất cả người địa phương có bãi nghêu đi qua đều được hưởng lợi chứ không phải là một nhóm nhỏ người “có điều kiện” mới vào được. Khi nào xoá bỏ được tình trạng kẻ ăn không hết, người lần không ra thì việc quản lý bãi nghêu giống mới thực sự ổn định. Và khi đó bãi nghêu sẽ mang lại lợi ích thực sự chứ không phải mạnh ai nấy khai thác như hiện nay.

Chỉ là chuyện bãi nghêu giống tự nhiên nhưng năm nào cũng nóng lên trên khắp mặt báo, lý do là ngành chức năng không quản lý được. Chúng ta nên nhìn nhận lại vấn đề chứ không thể năm nào cũng đổ cho một lý do là người dân thiếu ý thức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, trong khi thực tế chưa có giải pháp nào hiệu quả được đưa ra để giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Đặng Duẩn - Nhật Minh Báo Cà Mau