TIN THỦY SẢN

Lào Cai: "Ngư tặc" lộng hành tận thu nguồn thủy sản

lục văn toán

Bất chấp dư luận báo chí và sự bức xúc của người dân, tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện trên các dòng sông, suối ở Lào Cai vẫn diễn ra ngang nhiên, thách thức các cơ quan chức năng.

Nguồn thủy sản trên các dòng sông, con suối trên địa bàn tỉnh vốn đã không dồi dào, giờ bị tận thu bằng xung điện đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt.

Người dân gọi những kẻ săn bắt cá bằng xung điện là "ngư tặc" và hoạt động của chúng ngày càng ngang nhiên như thách thức cơ quan chức năng trên địa bàn.

Nếu như những năm trước, "ngư tặc" chỉ hoạt động ở các con suối xa khu dân cư, khuất mắt cơ quan chức năng quản lý như ở suối Cốc San (huyện Bát Xát), suối Nhù thuộc huyện Văn Bàn và khu vực sông Chảy đoạn chảy qua Phố Ràng, huyện Bảo Yên thì gần đây, các thuyền đánh cá bằng xung điện đã công khai đánh bắt dọc sông Chảy đoạn cuối đập thủy điện Bắc Hà, giáp ranh hai huyện Bảo Yên và Bắc Hà.

Táo tợn hơn, bọn "ngư tặc" còn ngang nhiên dùng thuyền sục điện đánh cá ngay dưới chân cầu Cốc Lếu và Phố Mới - nơi có trụ sở của các cơ quan chức năng thành phố và của tỉnh.

Theo những tay săn cá thì "nơi nguy hiểm là nơi an toàn nhất," các cơ quan chức năng chỉ thực hiện cấm đánh bắt gắt gao ở những nơi khác, còn ở ngay giữa lòng thành phố, việc đánh bắt thủy sản giữa ban ngày không thấy ai hỏi han, thậm chí còn được những người đi bộ hai bên bờ sông cổ vũ mỗi khi dòng điện khiến cả đàn cá lật bụng nổi trắng trên mặt nước.

Theo quan sát của phóng viên, trên một đoạn sông khoảng 2km từ chân cầu Cốc Lếu đến cầu Phố Mới có hai thuyền đánh cá thường xuyên hoạt động.

Trước đây, những thuyền này chỉ hoạt động trong mùa nước cạn nhưng nay họ đánh bắt trong cả mùa lũ bởi khi nước lũ lên cao, cá thường dạt vào ven bờ để kiếm ăn hoặc tránh dòng chảy xiết, nên sục điện vào thời điểm này làm cá chết rất nhiều.

Một "ngư tặc" có tên Lương Văn Cam từng nhiều năm đánh cá bằng xung điện ở xã Võ Lao, hiện đang đánh bắt tại khu vực cầu Kim Tân, cho biết muốn trở thành một thợ săn cá phải đầu tư một bộ xung điện bằng máy phát điện khoảng 3 triệu đồng, hoặc bình ắcquy và bộ biến thế có công suất trên 350V trở lên thì mới đủ sức truyền dòng điện lan xa, sâu đến 6-7m, và như thế sẽ đánh bắt được nhiều loại tôm, cá.

Ở Bắc Hà, từ khi đập thủy điện dâng nước, vùng hạ lưu khá cạn, do vậy các xã Cốc Ly, Bảo Nhai, Nậm Lúc xuất hiện ngày càng nhiều "ngư tặc." Họ bỏ các ngư cụ truyền thống như chài, lưới để đánh bằng xung điện theo hình thức "vơ bèo vạt tép", vừa nhanh, vừa hiệu quả gấp nhiều lần, bởi chỉ cần bấm nút kích điện là cá, tôm dù lớn hay nhỏ sẽ chết nổi lên.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Hà cho biết huyện đã có quy định nghiêm cấm sử dụng xung điện trong đánh bắt thủy sản; tổ chức tuyên truyền rộng trong nhân dân về mức độ nguy hiểm khi sử dụng thiết bị này, nhưng vì cái lợi trước mắt, trong thời gian gần đây, một số người dân vẫn ngang nhiên sử dụng xung điện đánh bắt tôm cá.

Để ngăn chặn tình trạng này, huyện Bắc Hà đã chỉ đạo cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát những đối tượng trên địa bàn sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản, kiên quyết tịch thu, xử phạt khi phát hiện đối tượng vi phạm, qua đó, tuyên truyền đến mọi người dân hiểu những tác hại của việc làm này./.

lục văn toán TTXVN