TIN THỦY SẢN

Lênh đênh những mảnh đời trên sóng

Xóm bè lênh đênh giữa biển Ngũ Hương

Họ coi mùa biển động, những cơn giông bão đổ về hằng năm như người bạn cũ ghé thăm. Cuộc đời của những người dân nhà bè xóm biển phập phồng theo con sóng.

Từ sân bay Cam Ranh nhìn ra đã thấy những nhà bè lác đác xuất hiện. Bến cảng Cam Ranh nhộn nhịp, tàu bè ngược xuôi. Những chuyến tàu khách, tàu du lịch chở những ông bà Tây mắt chữ O mồm chữ A với máy ảnh lia lịa trên tay tạo nên sự thích thú đối với dân nhà bè. Họ kéo cả ra ngoài, đưa tay vẫy chào hồn nhiên, lũ trẻ con ríu rít đang phụ bố mẹ cho cá ăn trên bè cũng cố nhoài người đưa cả hai tay lên vẫy vẫy.

Mưu sinh giữa biển

Xóm nhà bè nơi chúng tôi đang trú ngụ nằm giữa lòng đầm rộng lớn, Người dân nơi đây gọi là đầm Cửa Ông Lăng (TP. Cam Ranh), sát bên nhà máy đóng tàu Vinasin. Phía bờ bao quanh là cả TP.Cam Ranh và mặt còn lại là biển khiến đầm thêm rộng và mênh mông. Gọi là xóm nhưng thực ra chỉ có gần 20 hộ gia đình, phần lớn có quan hệ họ hàng xa gần, sống bằng nghề nuôi cá, tôm bè trên biển, một vài người làm thuê tứ xứ.

Chú Sáu Thân, thành viên của xóm, khoảng ngoài 50 tuổi, cho biết, gia đình chú đến đây lập nghiệp đã gần 40 năm. “Ba má tôi quê Phú Yên, theo chân người dân di cư về đây sinh sống. Ban đầu cũng chài lưới qua ngày. Tuy thô sơ nhưng hồi đó cá tôm nhiều, có khi làm một buổi mà ăn mấy ngày trời. Sau này cuộc sống khó khăn, rồi cá tôm cũng cạn kiệt nên chúng tôi kéo nhau ra lập bè nuôi cá”, chú Sáu Thân kể.


Chú Sáu Thân đang cắt cá cho đàn cá bớp ăn, bên cạnh là đứa cháu gái

Ra biển dựng bè nuôi cá, vay mượn được gần 100 triệu đồng mua vật liệu, vợ chồng và hai người con chú Sáu mới cất được căn nhà bè. Căn nhà nổi trên một đống thùng phuy bằng nhựa ở dưới. Thủy triều lên, nhà nổi theo. Mùa biển động, sóng gió ầm ầm cũng bình thản ngồi ăn cơm. Hai người con trai chú Sáu một đã có vợ cũng làm thêm cái bè ở kế bên sinh sống.

Hẩm hiu có nhau

Trên con thuyền nhỏ hướng vào đất liền, người phụ nữ khoảng 30 tuổi cầm lái, bên dưới là người chồng đang nằm trong cơn đau. “Chồng tôi bị đau dạ dày, đau từ tối qua, nhưng sáng nay mới có thể đưa anh vào đất liền để vào viện khám”, chị Nhung nói.

Dường như với những người dân nơi đây, chuyện đau bệnh giữa biển không còn lạ lẫm khiến họ phải hoảng hốt. Họ bình thường để giải quyết dù có thế nào đi nữa.


Những người dân nơi đây sống bằng nghề nuôi thủy sản

Chị Nhung và chồng mới về đây dựng bè sinh sống, mỗi người giữ một bè cá. Bè cá của chị nhỏ hơn, khoảng vài ngàn con. Bè của chồng ở sát bên, lớn gấp mấy lần. “Nhớ con lắm mà không biết làm sao. Lâu lâu được nghỉ hè đưa tụi nhỏ lên chơi cũng lo canh chừng sông nước, mấy đứa nhớ ba nhớ mẹ nhưng lên đây ngày một qua ngày hai là thấy buồn rồi. Nghĩ cũng tội, xung quanh chỉ có sông và nước, tụi nhỏ buồn là phải”, chị Nhung nói.

Hai vợ chồng mải miết cặm cụi làm lụng gửi tiền về quê huyện Ninh Hòa cách đó gần 100km cho ông bà lo cháu ăn học. Ông bà ở quê đã già, nhà cũng không dư dả gì, chắt bóp lắm mới đủ cho cháu ngày ba bữa và đóng tiền học phí. Hôm con lên thăm, chị lựa những con cá béo nhất, anh bắt thêm tôm, cua loại ngon, câu đêm được vài con mực cho các con ăn: “Nhìn tụi nhỏ ăn là biết ở quê chẳng mấy khi được ăn những thứ này”.


Lũ trẻ ở đây quanh năm làm bạn với những con chó trên bè

Đã gần 20 năm rời quê Thanh Hóa vào đây lập nghiệp và cũng ngót 10 năm sinh kế trên nhà bè. Nhưng hỏi cái đầm này tên thật là gì thì chị Nhung lắc đầu: “Hồi xưa khi cất bè có báo với chính quyền để làm giấy tờ. Rồi từ đó tới nay đâu có việc gì phải rời khỏi bè đâu. Chỉ biết nếu có thư từ hay giấy tờ gửi tới thì trưởng xã sẽ gọi lên”. Vợ chồng chị Nhung mong ước gia đình được đoàn tụ. Nhìn lũ cá bớp quẫy bọt trắng xóa tranh ăn, chị Nhung thở dài: “Về quê thì biết làm gì mà sống. Lại càng không thể để đời con lênh đênh như ba mẹ nó được”.

Tiếng karaoke giữa biển đêm

19 giờ tối, giữa lênh đênh sóng nước, bài hát “Nha Trang ngày trở về” được vang lên trong một căn nhà bè, ca sĩ chính là một người phụ nữ 45 tuổi, ngồi cổ vũ là những đứa con của cô. “Ở đây ban đêm không có việc gì làm, vào bến thì xa nên chỉ biết hò karaoke cho đỡ buồn”, Cô Lan cho biết.

Khác với nhà cô Lan, đại gia đình nhà ông Thìn gồm cả 3 thế hệ cùng chung sống trên bè. Trên bè trang bị đầy đủ tivi, tủ lạnh đến bếp gas, dàn karaoke. Ông Thìn kể: “Nhà tui có khoảng 50 bè cá bớp, mỗi bè cá trung bình có kích thước 4m x 8m và sâu khoảng 4m, cho sản lượng thu hoạch 10 tấn cá sau một vụ nuôi 5 - 6 tháng. Mỗi năm có thể nuôi 2 vụ cá bè. Rời đất liền ra đây khi tôi mới 20 tuổi, giờ thì đã 64 tuổi rồi, con trai lấy vợ cũng sống ở đây rồi chúng sinh cháu nội cho tôi cũng ở bè. Ban ngày thì chăm mấy cái bè cá, đêm lai rai vài xị rồi đi ngủ. Cuộc sống giờ cứ vậy thôi. Cháu nội còn nhỏ quá, để lớn hơn tí rồi cho nó vào đất liền đi học”.

Xa xa trong đêm, văng vẳng giọng hò, tiếng hát của dân chài lưới. Không còn là những giọng hò, tiếng hát đơn điệu mà của dân chài lưới năm nào mà đã sôi động hơn với sự hỗ trợ của dàn karaoke.

“May có cái máy kara này mà hò cho đỡ buồn, chứ trước kia lúc rảnh chỉ biết nằm chèo queo”, anh Hai Cùng (con trai ông Thìn) cười nói.

Bình minh vừa nhú trên biền thì cũng là lúc người dân xóm bè dậy. Họ dậy thật sớm, lúc 5 giờ sáng, rồi ra chợ mua đồ ăn cho gia đình 1 ngày.

Anh Cùng đang ngồi cắt cá vụn cho đàn cá bớp chuẩn bị thu hoạch ăn, cho biết, phần lớn diện tích của xóm nhà bè để nuôi cá bớp, tôm hùm và ốc. Dành một khu để sinh hoạt và làm kho chứa hàng. Trong kho ngổn ngang đủ loại máy bơm, máy phát điện, từng bao tải thức ăn chăn nuôi chất thành đống, vài bộ áo quần cáu bẩn treo vắt vẻo.


Những người xóm bè trên biển luôn vui vẻ khi có khách tới thăm

Cuộc sống của người dân nơi đây là vậy, quanh quẩn cả ngày với đàn cá, con tôm. Chiều muộn, nước biển rút nhô ra nhiều bãi cát dài, nơi đó nước biển chỉ ngang bụng. Thằng con lớn nhà ông Út Khoa vừa tắm vừa tập bơi cho hai đứa con nhỏ. Thằng anh túm lấy tay thằng em, dúi xuống nước. Thằng em quẫy đôi chân trồi lên, cười thích chí… Người cha có vẻ đã quá quen với kiểu tập bơi và dạy bơi này nên chỉ ngồi cười. Cả 3 cha con mang một màu da của cát biển. Tắm xong, vì nước ngọt phải mua, cả 3 cha con múc tiết kiệm từng gầu nước xối lên người cho sạch nước biển mặn.

Ông Út Khoa cho biết, ngày xưa cả nhà ông ở trong Ba Ngòi, TP. Cam Ranh. “Càng ngày, cuộc sống càng khó khăn công việc làm thuê không đủ nuôi gia vợ và hai con. Thấy người ta ra biển làm ăn khấm khá, vợ chồng bàn nhau cầm nhà cho ngân hàng lấy tiền ra đây làm bè sống”, ông Út Khoa thở dài.

Từ ngày dựng bè nuôi cá ở giữa biển, cuộc sống đã ổn định hơn. Thu nhập từ mấy bè cá cũng giúp ông trang trải được cuộc sống và lo cho hai đứa con ăn học.

Tuy vậy, cuộc sống của những hộ dân nơi đây vẫn còn đang rất thiếu thốn những điều cơ bản của cuộc sống: họ sống thiếu nước ngọt, thiếu chăm sóc y tế, thiếu phương tiện thông tin và trẻ nhỏ thì “khát” chữ, "khát" sân chơi.

“Từ đây vào đất liền học sáng phải chạy ghe khoảng 20 phút, vào đến nơi phải đi bộ thêm hơn cây số nữa”, đứa con lớn của ông Út Khoa học lớp 10 kể.

Rời xa làng bè, cũng là lúc màn đêm dần buông xuống. Trên mặt nước bồng bềnh, những chiếc thuyền nhà kết liền với nhau. Tiếng hát của người dân lại vẳng lên trong đêm. Có một chút bâng khuâng và cảm xúc không thể diễn đạt thành lời.

Ngũ Hương Báo Đất Việt, 22/02/2014