TIN THỦY SẢN

Mùa tôm mới, nỗi lo mới

Cải tạo ao và tôm giống là 2 dịch vụ có sự tăng giá mạnh ngay từ đầu vụ nuôi năm 2018. Tích Chu

Chưa biết vụ nuôi năm 2018 trúng, thất ra sao, giá bán như thế nào, nhưng ngay thời điểm này, người nuôi tôm đã cảm nhận được “sức nóng” chi phí đầu tư đang ngày một tăng so với vụ nuôi năm 2017.

Lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ của tỉnh bắt đầu từ ngày 19-1, nhưng ngay từ sau tết, rải rác tại những vùng nuôi tôm trong tỉnh đều có tôm thu hoạch. Điều đó cho thấy, nghề nuôi tôm nước lợ bây giờ có thể nuôi được quanh năm, nếu người nuôi có đủ điều kiện về tài chính và khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, khác với quy luật hàng năm, giá tôm thường cao trong những tháng đầu năm, bước vào năm 2018, giá tôm không chỉ không tăng, mà có thời điểm giảm đến 20.000 đồng/kg so với giá ở chính vụ của năm 2017.


Chuyện giá tôm đột ngột giảm, tuy có đôi chút bất ngờ với người nuôi nhưng lại không quá bất thường đối với thị trường tiêu thụ, bởi giá tôm được đẩy lên cao ở thời điểm trước đó có một phần của đội ngũ thương lái Trung Quốc đến gom hàng phục vụ thị trường tết truyền thống ở đất nước họ. Đến khi nhà chức trách Trung Quốc siết chặt công tác quản lý về thuế nhập khẩu biên mậu, khiến hoạt động này bị hạn chế, giá tôm trong nước lập tức quay về theo chuẩn thị trường.

Cũng có thông tin cho rằng, doanh nghiệp trong nước ép giá, nhưng không ai có đủ bằng chứng hay cơ sở để khẳng định việc này. Với những diễn biến thị trường vừa qua cho thấy, giá tôm sẽ có thể tiếp tục biến động bất thường trong năm 2018, nhưng xu hướng chung, theo nhận định của các chuyên gia là khó có sự tăng giá đột biến.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch ngành tôm năm 2018 diễn ra ở Kiên Giang vào ngày 1-3, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các dự báo cho thấy, sản lượng tôm thế giới năm 2018 sẽ tăng cùng với đó là lượng tôm tồn kho các nước còn nhiều, nên giá tôm năm 2018 có thể sẽ không cao.

Trong khi giá tôm hiện tại đang thấp so với năm 2017, thì hàng loạt chi phí đầu vào của vụ nuôi năm 2018 đã bắt đầu tăng. Nếu như ở vụ nuôi năm 2017, chi phí cải tạo ao bình quân ở mức 50 triệu đồng/ha, thì hiện tại đã tăng lên 70 triệu đồng/ha, nhưng nếu không đăng ký sớm cũng rất khó thuê được. Điều đáng nói là nguyên nhân tăng giá của dịch vụ này không phải bắt nguồn từ sự tăng giá của nhiên liệu (dầu) mà chính từ nhu cầu của người nuôi. Điều này không chỉ có ở Sóc Trăng mà còn diễn ra ở hầu hết các tỉnh nuôi tôm lớn trong khu vực như: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang…

Đón đầu sự phát triển của nghề nuôi sau vụ nuôi rất thành công ở năm 2017, hàng loạt thương hiệu tôm giống trên thị trường cũng bắt đầu tăng giá mạnh ngay từ đầu năm, càng tạo ra cơn sốt về thị trường tôm giống. Giá tôm giống của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP. Việt Nam (gọi tắt là CP) do đại lý bán ra lúc cao điểm vụ nuôi năm 2017 cũng chỉ 121 đồng/con thì nay đã tăng lên 135 đồng/con. Là thương hiệu chiếm thị phần chi phối về tôm giống cả nước, nên sự tăng giá tôm giống CP đã kéo theo hàng loạt thương hiệu khác cùng tăng. Hiện phần lớn diện tích nuôi tôm còn trong giai đoạn cải tạo, nuôi nước, nhưng giá tôm giống đã tăng mạnh, nên nhiều người dự báo, giá tôm giống sẽ còn tiếp tục “nhảy múa” khi các nơi vào vụ thả giống rộ.

Sau con giống sẽ còn có bao nhiêu dịch vụ đầu vào phục vụ nghề nuôi tôm sẽ tăng giá, giá tôm lúc vào vụ sẽ ra sao, diễn biến thời tiết, dịch bệnh trong vụ nuôi sẽ như thế nào… đều rất khó đoán định. Nhưng đâu chỉ có những nỗi lo trên, mà còn có nỗi lo về điều kiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu; là chuyện thiếu vốn sản xuất; là vấn đề môi trường… tất cả đã và đang làm cho khí thế mùa tôm năm 2018 kém đi phần sôi động. Tuy nhiên, mọi công việc chuẩn bị cho mùa vụ thả nuôi mới vẫn đang được thực hiện khẩn trương để kịp đón con nước mặn vào thả nuôi, với hy vọng sẽ tiếp tục trúng mùa, trúng giá như vừa qua.

Tích Chu Báo Sóc Trăng