TIN THỦY SẢN

Nên chọn công nghệ mới xử lý nước ô nhiễm vùng lũ

Khi nguồn nước bị ô nhiễm, chúng ta thường lọc nước theo cách truyền thống là phèn và chloramine B. Đức Anh

Để có nước sạch phục vụ sinh hoạt mỗi khi bị lũ lụt, người dân thường lọc nước theo cách truyền thống là dùng chloramine B để khử trùng.

Chloramine B chỉ khử trùng

PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, khi bão lụt, các công trình vệ sinh, cống rãnh, nước ngoài đồng ruộng... bị ngập trong nước nên các chất thải của người và gia súc, xác động thực vật cùng hòa vào khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vì thế, xử lý nước phục vụ ăn uống và sinh hoạt là việc làm cấp bách sau mỗi đợt lũ lụt xảy ra.

Từ nhiều năm nay, khi bão lũ, nguồn nước bị ô nhiễm, chúng ta thường lọc nước theo cách truyền thống là dùng phèn và chloramine B. Trước tiên cho phèn vào nước để làm sạch nước (các chất cặn sẽ lắng xuống) sau đó lọc qua vải rồi mới cho chloramine B để khử trùng. Cách này rẻ, xử lý nhanh và dễ sử dụng. Tuy nhiên, sử dụng chloramine B có nhược điểm gây mùi khó chịu và tạo ra các hợp chất cơ clo.

PGS.TS Nguyễn Hoài Châu, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam cũng cho hay, chloramine B đã có từ hơn 50 năm trước và hiện nhiều nước trên thế giới đã không còn sử dụng chloramine B để xử lý nước vì có mùi khó chịu và tạo ra các hợp chất cơ clo, vốn là những hợp chất không tốt cho sức khoẻ. Hơn thế, thực tế, chloramine B chỉ làm được mỗi nhiệm vụ là khử trùng, trong khi nước bị ô nhiễm còn có nhiều chất khác như kim loại nặng (sắt, mangan, magie)...

Nên chọn công nghệ mới

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, nếu dùng chloramine B với thời gian dài và liều lượng lớn thì có thể sẽ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ. Thế nhưng, nếu sử dụng trong khoảng thời gian ngắn (những ngày bão lũ thường diễn ra ngắn) và liều lượng phù hợp thì vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nên tính đến những công nghệ an toàn hơn, ví dụ như sử dụng các máy lọc nước.

Trong thời điểm hiện tại, khi chloramine B vẫn là biện pháp được lựa chọn thì trong sử dụng người dân cần phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn kỹ thuật, không lạm dụng và chỉ nên dùng trong thời gian có mưa lũ. Khi mưa lũ rút, cần nhanh chóng thau rửa giếng để đảm bảo có nguồn nước sạch sử dụng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hoài Châu cũng cho rằng, trong khi chưa có phương án thay thế cho chloramine B thì người dân trong quá trình sử dụng phải tuân thủ đúng liều lượng, cách dùng. Ví dụ, trước khi dùng chloramine B thì phải dùng phèn để làm sạch nước trước, nếu dùng chloramine B mà không dùng phèn cũng không hiệu quả. Cũng không sử dụng đồng thời cả phèn và chloramine B mà phải dùng phèn trước sau đó mới đến chloramine B.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hoài Châu, việc sử dụng chloramine B để khử trùng nước thực chất là lấy ra khỏi nước một số chất bẩn, nhưng cũng đồng thời lại đưa vào nước thành phần hóa chất không có lợi cho cơ thể. Xử lý nước sạch theo khoa học hiện đại là phải lấy ra khỏi nước chất bẩn mà không đưa vào nước hóa chất.

Theo vị chuyên gia này, hiện nay các nhà khoa học Việt Nam đã đưa ra một số công nghệ và giải pháp xử lý nước hiệu quả cho người dân vùng lũ. Ví dụ, chính các nhà khoa học của Viện Công nghệ Môi trường mới đây đã đưa ra công nghệ xử lý nước cho người dân vùng lũ bằng công nghệ nano bạc gắn trên vật liệu silica (composite Ag - Silica). Máy lọc nước này có giá thành thấp, không cần điện, chỉ cần có áp lực tự nhiên của nước là máy có thể làm việc bình thường. Máy lọc được các hạt bẩn rất nhỏ kích cỡ vài nano, khử mùi, lọc kim loại nặng như sắt, mangan, magie, tàn dư thuốc trừ sâu, các chất bẩn hữu cơ...

Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Châu, các biện pháp xử lý nước hiệu quả cho người dân vùng lũ mà các nhà khoa học Việt Nam đã đưa ra đều không khó thực hiện và an toàn hơn. Vì thế, tại sao không thực hiện những đánh giá, tìm hiểu thực tế để lựa chọn một công nghệ phù hợp và an toàn hơn. 

Đức Anh Báo Kiến thức, 04/11/2013