TIN THỦY SẢN

Ngọc sáng biển Vân

Ngư dân xã Minh Châu (Vân Đồn) thu hoạch cá lồng bè. Nguyễn Huế

Tuyến đảo Vân Hải (Vân Đồn) là một trong những điểm đến hấp dẫn mà nhiều du khách lựa chọn khi đến Quảng Ninh. Bởi lẽ, nơi đây cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, không gian trong xanh, khoáng đạt, nguyên sơ... Đến đây, du khách còn được tìm hiểu, khám phá những di tích văn hoá, lịch sử, cuộc sống lao động, sinh hoạt của người dân với những nét độc đáo mà không nơi nào có được.

Điểm du lịch sinh thái hấp dẫn

Từ cầu cảng Vân Đồn, chúng tôi lên tàu ra xã đảo Quan Lạn. Chuyến tàu cao tốc cuối năm đông người, trong đó phần lớn là du khách nước ngoài. Những tia nắng hiếm hoi buổi sớm phần nào xua đi sương giá. Chiếc xe lam (còn gọi là xe Tuk tuk) - phương tiện đặc trưng ở đảo đưa chúng tôi đi một vòng Quan Lạn.

Nếu Vân Đồn được gọi là đảo ngọc, thì người dân Quan Lạn tự hào gọi hòn đảo của mình là “ngọc trong ngọc”. Chúng tôi tham quan đình Quan Lạn, ngôi đình cổ được dựng  từ thế kỷ XVII bằng gỗ mần lái với những đường nét chạm khắc tỉ mỉ và tinh tế. Đình lưu giữ 18 sắc phong từ đời vua Thiệu Trị năm thứ nhất (1841) đến đời Bảo Đại. Đình thờ thành hoàng làng, các vị tiên công có công quai đê lập ấp dựng làng. Bên cạnh đình là chùa Quan Lạn thờ Phật, mẫu Liễu Hạnh và cụ Hậu là người dân địa phương đóng góp nhiều công sức xây dựng chùa. Cũng thuộc khu quần thể này là Nghè Quan Lạn thờ Trần Khánh Dư, vị tướng trấn thủ Vân Đồn. Đây là cụm di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng cấp quốc gia. Ngày 18-6 âm lịch hàng năm trên đảo diễn ra lễ hội Quan Lạn hay còn gọi là hội đua bơi Quan Lạn. Đây là hội làng của người dân xã đảo được tổ chức trên bến Đình, cạnh đình Quan Lạn. Lễ hội cũng chính là dịp kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288. Ngày hội mang ý nghĩa cầu được mùa của cư dân vùng biển, mang dấu ấn của một hội làng truyền thống, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền đất nước của những người dân vùng biển.

Chúng tôi tham quan bãi biển Sơn Hào cát trắng; dạo bộ trên bãi biển Quan Lạn uốn cong như hình trăng lưỡi liềm trải dài 2km. Phía sau bãi tắm Quan Lạn là đồi phi lao cao vút. Bên bờ biển Quan Lạn là Khu du lịch sinh thái Vân Hải. Công ty CP Viglacera Vân Hải đã xây dựng ở đây một hệ thống nhà hàng, khách sạn khang trang, trong đó ấn tượng nhất là những nhà sàn làm bằng gỗ, mây tre đầy đủ tiện nghi. Hệ thống nhà sàn, các khu nhà nghỉ dưỡng, dịch vụ đều nằm ẩn khuất trong rừng phi lao xanh bốn mùa và nhìn ra  biển để đón gió đại dương. Phó Giám đốc Xí nghiệp Du lịch sinh thái Vân Hải (Công ty CP Viglacera Vân Hải) Lý Vân Ngọc cho biết: “Du lịch sinh thái là gìn giữ môi trường biển, rừng, cát, nước, không khí mãi trong sạch; việc xây dựng không được phá vỡ cảnh quan. Công ty đã đầu tư trên 36 tỷ đồng cho Khu du lịch sinh thái Vân Hải với 81 phòng nghỉ, trong đó nhiều phòng chất lượng đạt tiêu chuẩn 2 sao. Chiến lược phát triển của Công ty là tiếp tục đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp nằm trong Khu du lịch sinh thái Vân Hải nhằm đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ du lịch, tạo sức hấp dẫn hơn nữa cho du khách đến với hòn đảo này”.

Trung uý Bàn Tiến Long, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Quan Lạn, người đưa chúng tôi tham quan quanh đảo, cho biết: “Mùa đông trên đảo lạnh hơn đất liền, nhưng nhiều du khách, nhất là người nước ngoài vẫn chọn Quan Lạn để nghỉ dưỡng. Lưu trú tại đây, du khách có thể thuê xe đạp để khám phá đảo; cùng ở với người dân theo hình thức “homestay”, cùng ra khơi đánh cá, câu mực hay đi đào sá sùng ở các bãi ngang mỗi sớm mai. Vào hè, nhất là dịp nghỉ lễ, Quan Lạn đón gần 2.000 lượt khách/ngày...”.

Hàng ngày, những chuyến tàu chở khách vẫn nối đuôi nhau ra Quan Lạn. Du lịch đã và đang mang lại sự sôi động, giàu có cho vùng đất này.

Rừng vàng, biển bạc

Thuê một chiếc xe Tuk tuk với giá 450.000 đồng/lượt, chúng tôi sang Minh Châu trên con đường xuyên đảo dài trên 10km đang được khẩn trương thi công. Minh Châu được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, bởi bờ cát dài trắng mịn, nước trong xanh nhìn thấu đáy. Bên bãi biển là rừng trâm nguyên sinh hàng trăm năm, diện tích trên 14ha. Người dân ở đây cho biết, rừng trâm là một báu vật của Minh Châu; quả trâm đã nuôi người dân xã đảo sống sót qua trận đói năm 1945; rừng trâm đã bảo vệ, che chắn cho người dân sống nơi đầu sóng, ngọn gió... Vì thế các thế hệ người dân Minh Châu đều quyết tâm bảo vệ khu rừng quý hiếm.

Du khách đến Minh Châu rất thích thú khám phá những nét độc đáo ở đây, như nghề đào sá sùng, khai thác sứa... Minh Châu có bãi sá sùng rộng trên 100ha, bãi sứa được đánh giá là “đệ nhất thiên hạ”. Đào sá sùng là nghề truyền thống mang lại nguồn thu không nhỏ; nhưng khai thác sứa mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, vài chục triệu đồng/người/vụ, dù nghề này chỉ có tính mùa vụ, cuối tháng Giêng đến giữa tháng 3 âm lịch...

Du lịch trên đảo khá phát triển. Công ty Du lịch Le Pont travel (Hà Nội) hiện có một hệ thống nhà hàng, khách sạn và dịch vụ du lịch ở đây. Mục tiêu của Le pont là ngày càng đưa nhiều khách du lịch quốc tế đến Minh Châu và sẽ nâng công suất phục vụ khách từ 20 phòng nghỉ lên khoảng 100 phòng. Công ty TNHH Đình Anh liên doanh với Công ty Trái Tim Việt (Hà Nội) đầu tư hàng chục tỷ đồng cho Khu Minh Châu Beach Resort, với hàng chục phòng nghỉ chất lượng từ 2-3 sao, đáp ứng cho hàng trăm lượt khách/ngày.

Chị Nguyễn Thị Mây, thôn Ninh Hải, chủ nhà hàng Yến Nhi cho biết: Từ khi Minh Châu phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ, gia đình chị chuyển từ nghề chài lưới sang đầu tư làm du lịch. Hiện gia đình chị có 1 nhà nghỉ sang trọng 8 phòng, đồng thời kinh doanh nhiều dịch vụ khác, như: Ăn uống, tắm tráng, đốt lửa trại, trang âm, ánh sáng…

Làng đẹp giữa biển

Từ cầu cảng Quan Lạn chúng tôi đón tàu sang xã đảo Ngọc Vừng. Khác hẳn với sự tĩnh lặng của nhiều năm về trước, Ngọc Vừng hôm nay có sự thay đổi nhanh chóng. Hệ thống đường bê tông xuyên đảo, trường mầm non, trường học, trạm xá, bưu điện đã và đang được xây dựng, hoàn thiện, chuẩn hoá. Những năm 90 của thế kỷ trước, gần trăm hộ dân ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá... đã đến đây xây dựng vùng kinh tế mới. Những hộ mới đến đã nhanh chóng hoà nhập với người dân bản địa, xây dựng xã đảo thành một làng đẹp giữa biển khơi ngày nay.

Người dân trên đảo ban đầu nuôi cá lồng bè, nhưng rồi qua thời gian, môi trường bị ô nhiễm, nên năng suất ngày càng kém, diện tích nuôi dần thu hẹp; nay chuyển sang nghề nuôi nhuyễn thể. Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng Nguyễn Thị Hồng Thư cho biết: Nếu như năm 2004, xã có trên 10 hộ gia đình thực hiện thí điểm nuôi nhuyễn thể là tu hài, ốc màu, ốc đá..., thì hiện có 150/gần 200 hộ dân của xã nuôi với diện tích gần 200ha bãi triều, chủ yếu là ốc màu, ốc đá, ốc hương. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, mà còn được các tiểu thương nhiều tỉnh, thành phố trong nước đến thu mua. Hiện xã còn có 24 lồng bè nuôi cá và hàng chục tàu đánh bắt cá xa bờ; sản lượng trên 100 tấn/tháng, trong đó khai thác chiếm trên 90%. Trong chiến lược phát triển, Ngọc Vừng còn tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào du lịch, khuyến khích các hộ gia đình làm dịch vụ du lịch sinh thái.

Ở Ngọc Vừng, đa phần đàn ông đi biển đánh bắt, còn phụ nữ ở nhà nuôi trồng thuỷ sản, trồng lúa…Vào dịp cuối năm, những người đàn ông sau những ngày dài đi biển trở về sum họp gia đình để đón một cái Tết ấm cúng. Sau đó lại tiếp tục chuẩn bị cho những chuyến khơi xa... Anh Nguyễn Văn Công, thôn Lộc Nam, có thâm niên 10 năm nuôi nhuyễn thể cho biết, hiện anh đầu tư gần 2ha bãi triều ở đảo Hòn Nhung để nuôi ốc đá, ốc màu, ốc hương, kết hợp nuôi lợn rừng, mỗi năm lãi từ mô hình rừng - biển trên 100 triệu đồng.

Chúng tôi đi trên con đường trải dài xuyên đảo, qua những thửa ruộng mới cày bừa, qua bãi tắm Trường Chinh, tới thăm Khu di tích lưu niệm Bác Hồ... Ngọc Vừng hiện lên thật đẹp, một ngôi làng quê yên bình giữa biển khơi với những tiềm năng đang được khai thác mạnh mẽ./.

Nguyễn Huế baoquangninh.com.vn, 31/01/2014