TIN THỦY SẢN

Người khai canh thôn Trằm Thiềm

CCB Nguyễn Hữu Nhân bên rừng keo lá tràm của gia đình. Bài và ảnh Kim Hoa

Trằm Thiềm, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, trước kia là vùng đất bạc, cát trắng, nắng gió. Bây giờ, phong cảnh nơi đây đổi khác, một trang trại, một cụm dân cư sầm uất mọc lên. Ông Nguyễn Hữu Nhân được xem là vị khai canh của làng mới, mở ra phong trào “làm giàu trên cát”.

Thời chống Mỹ, vợ chồng ông Nhân tham gia lực lượng vũ trang địa phương, năm 1982 cả hai người nghỉ chế độ mất sức lao động. Sống ở quê nghèo hết sức khó khăn, ông quyết định đưa gia đình vào Nam lập nghiệp. Sau 16 năm di chuyển qua 3 tỉnh, 4 lần làm nhà vẫn không thoát khỏi nghèo khó, gia đình ông lại trở về quê hương.

Thấy trên vùng cát trắng nội đồng xã Phong Chương có một số ít hộ làm kinh tế trang trại nhưng chỉ trồng ít sắn, lạc và chăn nuôi nhỏ lẻ, ông suy nghĩ sao không lập vườn như ở các tỉnh phía Nam? Thế là ý chí nâng cao cuộc sống trong CCB này trỗi dậy. Ông xin đất lập trang trại và được chính quyền giao khoảng 20ha đất cát, ông còn hợp đồng nhận 3ha mặt nước Trằm Thiềm để nuôi cá. Cuối năm 2004, nhờ người thân, đồng đội và bạn bè giúp của, giúp công, cho nợ vật liệu, ông dựng được một căn nhà nhỏ và bắt tay vào cải tạo mặt nước Trằm Thiềm nuôi cá. Năm đó, do thiếu kinh nghiệm, qua một đợt lũ, toàn bộ số cá sắp đến kì thu hoạch bị cuốn trôi. Tính ra cả tiền mua cá giống, thức ăn… lỗ mất 10 triệu đồng. Nhớ lời Bác dạy “Không được giấu dốt, không biết thì phải hỏi, chưa giỏi thì phải học”, ông ra vùng Cầu Trắng – Quảng Trị học mô hình kinh tế VAC, tham quan trại chăn nuôi lợn của tỉnh và học hỏi kinh nghiệm làm ăn của số bà con chăn nuôi giỏi trong vùng. Lúc này, diện tích đất cát làm trang trại của ông đã được cấp sổ đỏ, ông mạnh dạn làm dự án, thế chấp vay vốn và được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho vay 100 triệu đồng. Có tiền, ông thuê máy móc về đào đắp, cải tạo mặt nước ao hồ  nuôi cá, mua vật liệu xây chuồng heo, xây dựng hệ thống đập giữ nước, điều chỉnh nước và đào kênh thoát lũ. Một mô hình VAC kinh tế trang trại của gia đình hình thành. Năm 2008, gia đình ông trồng 30ha keo, hiện nay có rừng cây vào năm thứ 5, phát triển tốt. Ngoài việc xây dựng kinh tế gia đình, ông tích cực tham gia xây dựng Hội CCB của xã, tập hợp hội viên để được gần gũi, có điều kiện giúp nhau. Ông cũng được UBND xã Phong Chương cử làm Trưởng nhóm hỗ trợ trồng rừng. Bằng việc tham mưu, tạo mối quan hệ, Ban Quản lí Dự án trồng rừng của xã trồng được 300ha rừng keo lưỡi liềm nay đã vào năm thứ 4. Trong số bà con trồng rừng có nhiều người là hội viên CCB.

Không dừng lại, ông Nhân mở rộng chăn nuôi gà lai, gà kiến thả vườn. Ông vào thành phố Hồ Chí Minh mua một máy ấp trứng kĩ thuật số có công suất ấp 500 trứng/lứa, cung cấp con giống cho các hộ trong thôn. Hiện đàn gà nhà ông đã có hơn 1.000 con lớn nhỏ, năm 2013 này, xuất bán đàn gà cho lãi gần trăm triệu đồng. Tính ra các khoản thu lãi ở trang trại của gia đình ông mỗi năm bình quân hơn 200 triệu đồng.

Ông Nhân còn tạo điều kiện cho 7 hộ dân cùng làm trang trại. Nhờ vậy, cả thôn Trằm Thiềm đoàn kết làm ăn phát triển tốt, mỗi năm sản xuất trên 100 tấn thịt lợn hơi, 28 tấn cá tươi, hàng chục nghìn con gà vịt, 100 con heo nái sinh sản, hơn 800 con heo giống, giải quyết việc làm thường xuyên cho 100 lao động

Bài và ảnh Kim Hoa Báo Người cao tuổi, 20/12/2013