TIN THỦY SẢN

Những mô hình nuôi tôm chân trắng hiệu quả ở Quảng Ngãi

Anh Nguyễn Trung Thông sửa sang máy móc chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới D.M.

Một số mô hình mới nuôi tôm chân trắng (TCT) theo hướng bền vững hơn như sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi trong ao lót bạt vùng triều,… đã được áp dụng thử nghiệm tại Quảng Ngãi, đạt kết quả tốt, hiệu quả cao, nông dân có lãi.

Vài năm lại đây, con tôm từng giúp cho nhiều gia đình nông dân Quảng Ngãi trở thành tỷ phú, bỗng chốc lại khiến không ít người rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Môi trường bị ô nhiễm sau nhiều năm nuôi, con giống không qua kiểm soát nên dịch bệnh xảy ra liên tiếp khiến nhiều vùng nuôi ven biển có diện tích lớn tại các huyện như Mộ Đức, Đức Phổ… phải bỏ hoang.

Nhưng đối với những vùng bãi cát ven biển miền Trung, nuôi tôm vẫn là nghề có triển vọng giúp người dân có thu nhập và thoát nghèo. Vì vậy tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung tổ chức, hướng dẫn nông dân thử nghiệm nhiều mô hình nuôi tôm mới.

Ông Chủ nhiệm HTX “tôm sinh học”

Vào vụ tôm năm nay, Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn đã triển khai trình diễn mô hình nuôi TCT sử dụng chế phẩm sinh học tại xã Bình Đông trong ao đất diện tích 3.000 m2, do hộ anh Nguyễn Trung Thông ở thôn Thượng Hoà thực hiện. Tổng kinh phí đầu tư cho mô hình 67 triệu đồng, trong đó hỗ trợ từ nguồn ngân sách sự nghiệp tương ứng hơn 26,7 triệu đồng (tôm giống, thức ăn và các vật tư như men vi sinh, vitamin C, premix, vôi, zeolite, dầu…). Số lượng tôm giống thả nuôi trong đợt đầu 180.000.

Anh Thông cho biết: “Là người nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học đầu tiên trong xã nên tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi như hướng dẫn của cán bộ khuyến nông”. Trong tháng nuôi đầu, lượng chất thải trong ao chưa nhiều nên định kỳ 10 ngày sử dụng men vi sinh 1 lần. Thời gian sau đó rút ngắn còn 5 ngày bón 1 lần. Loại men sử dụng là PondPlus và Super PB-300 (liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì). Khi bón men vi sinh cần tăng cường quạt nước để phát huy tác dụng của vi sinh vật.

Sau khi thả nuôi 75 ngày, tôm thu hoạch đạt cỡ bình quân 100 con/kg, tỉ lệ sống trên 90% cao gấp đôi cách nuôi bình thường. Sản lượng thu hoạch hơn 1.500 kg. Sau khi trừ chi phí, lãi hơn 50 triệu đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị đầu bờ vừa qua đã đánh giá cao kết quả mô hình “nuôi tôm TCT sử dụng chế phẩm sinh học” của anh Thông, đồng thời đề nghị Trạm Khuyến nông Bình Sơn tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng mô hình trên cho nhiều địa phương trong tỉnh.

Đến xã Bình Đông, dừng chân hỏi chuyện, ai ai cũng chỉ đích nhà Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp nuôi tôm thử nghiệm đạt hiệu quả cao cả tỉnh biết. Nhiều người kháo nhau, ông Chủ nhiệm HTX “tôm sinh học” chuẩn bị mở lớp dạy những lão nông khác cùng nuôi tôm.

Nghe kể về cái tên mọi người gán cho mình, anh Thông vừa cười giòn vừa cho biết, đúng là HTX chuẩn bị mở lớp hướng dẫn nuôi TCT bằng chế phẩm sinh học cho 22 nông dân trong xã. Anh nói: “Tôi chỉ mong năm tới mọi người về đều làm đúng, làm đủ để có một vụ tôm tốt đẹp”.

Cải tạo cồn cát để nuôi tôm

Những năm qua, nông dân xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa đã cải tạo các cồn cát theo cách đào ao rồi trải nilon lót đáy. Đến nay, toàn xã có 78 ha nuôi TCT, năng suất bình quân 1,3 tấn/ha, mỗi năm thu lãi 100 triệu đồng/ha.

Nhiều nông dân tỷ phú ra đời như ông Đặng Văn Di, ông Nguyễn Quang Ninh, ông Cao Phú Lợi từ các ao nuôi tôm tại cồn cát Mỹ Điền, thôn Thu Xà. Ông Lợi cho biết, năm 2011, lợi nhuận thu được từ nuôi TCT mang lại cho gia đình ông khoảng 600 triệu đồng.

Nói về bí quyết thành công trong việc nuôi TCT, ông Lợi cho biết, đặc tính của con tôm là không sống được trong môi trường ô nhiễm. Cho nên, khi chuẩn bị thả vụ tôm mới, phải vệ sinh ao hồ sạch sẽ, sau đó lấy nước vào rồi bón men vi sinh để tạo điều kiện tốt nhất cho tảo phát triển nhằm làm sạch, thoáng mát môi trường và cũng là thức ăn cho tôm. Để nuôi TCT thành công thì khâu chọn giống và mật độ thả cũng rất quan trọng. Theo ông Lợi thì nên chọn những giống tôm có chất lượng đảm bảo do các công ty có uy tín cung cấp, không nên ham rẻ mà lấy tôm chợ (tôm trôi nổi không rõ nguồn gốc). Khi thả tôm, không nên tham thả mật độ quá dày.

Với thu nhập lên đến cả tỉ đồng mỗi năm từ mô hình nuôi TCT, ông Cao Phú Lợi luôn đứng đầu trong danh sách nông dân sản xuất giỏi điển hình của huyện Tư Nghĩa và tỉnh Quảng Ngãi.

Thu hoạch ‘chạy’ nhưng vẫn có lãi

Trạm khuyến nông huyện Sơn Tịnh thực hiện mô hình trình diễn nuôi TCT trong ao lót bạt nilon trên vùng triều, qui mô ao 1.000m2 tại thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa. Lượng tôm giống thả gần 140 nghìn con.

Mô hình này là tiến bộ kỹ thuật mới đối với nông dân trong xã. Do đó, trước khi thực hiện, Trạm khuyến nông huyện đã giới thiệu cho các hộ tham gia mô hình về đặc điểm sinh học của TCT, cách đầu tư dụng cụ, trang thiết bị và chuẩn bị ao phù hợp với việc nuôi thâm canh TCT trong ao lót bạt nilon, chọn giống và mật độ nuôi; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng TCT, kỹ thuật phòng và điều trị một số bệnh của TCT.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do vùng nuôi vốn đã bị ô nhiễm nặng nên tôm nuôi bị nhiễm bệnh, buộc nông dân phải “thu hoạch chạy”. Kết quả, sản lượng thu hoạch đạt hơn 1.000kg, thu nhập trung bình hơn 94 triệu đồng, sau khi trừ chi phí (nhưng chưa tính công lao động) vẫn lãi hơn 23,7 triệu đồng.

Tuy nhiên, Sở NN&PTNT nhận định, mô hình này vẫn có khả năng nhân rộng cho vùng nuôi chuyên canh của xã Tịnh Hòa trong năm 2013 nếu được quy hoạch.

D.M. Vietfish