TIN THỦY SẢN

Nỗ lực giải cứu con tôm

Nhiều người nuôi tôm ở ĐBSCL đã tính chuyện "treo ao tôm" luôn nếu mức giá không được cải thiện. Vĩnh Tường

"Treo ao" là giải pháp tình thế cuối cùng mà người dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải tính đến khi tôm sú mất giá sau thời gian dài. Là vật nuôi mũi nhọn trong xuất khẩu thủy sản, con tôm vẫn lặp lại điệp khúc buồn "mất giá, treo ao" do hệ lụy từ phát triển bất cập từ quy hoạch nuôi cho đến tìm kiếm đầu ra...

Vì sao tôm rớt giá hoài?

Câu hỏi này ám ảnh người nuôi tôm ở bán đảo Cà Mau (gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng) đã nhiều tháng qua. Là một người nuôi tôm lâu năm, có nhiều kinh nghiệm nhưng ông Lê Văn Út (xã Phú Tân, huyện Phú Tân, Cà Mau) đành "gác kiếm". Chỉ tay về phía ao tôm, ông Út than: "Vụ vừa rồi tôi thu hoạch đầm tôm cuối lỗ hơn 30 triệu đồng. Với giá tôm như hiện nay không dám thả nuôi tiếp tục. Giá tôm tăng trở lại thì mới thả nuôi, còn không thì đành "treo ao" luôn ba hầm tôm công nghiệp". Ông Út cho biết thêm, hiện tại cứ 10 người nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn của ông thì có đến sáu người "treo ao" rồi.

Cà Mau là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất cả nước. Theo Sở NN và PTNT tỉnh Cà Mau, tính đến đầu tháng 7, diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng) là 9.200 ha. Nhưng tình hình giá tôm rớt kéo dài đang tác động mạnh đến vùng nuôi nguyên liệu vốn đang đối diện nhiều khó khăn.

Giá tôm sú nguyên liệu tại ao ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đang giảm đột ngột, thí dụ loại 30 con/kg giá dao động 180 nghìn đồng, so với đầu năm 2015 thì giảm 60 nghìn đồng/kg (giảm khoảng 24%)... Với những người nuôi tôm công nghiệp với giá như vậy thì người nuôi tôm làm... không công! Do đó, không lạ khi lặp lại điệp khúc "mất giá, treo ao". Năm 2014, cả nước có hơn 48 nghìn ha nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại, thì ĐBSCL chiếm diện tích thiệt hại lớn nhất (gần 60%), tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre.

Đi tìm lời giải cho câu hỏi đang ám ảnh người nuôi tôm, chúng tôi được ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết: "Nguyên nhân chính là do thời gian qua tỷ giá đồng USD tăng mạnh và xuất khẩu giảm. Trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu thanh toán bằng đồng USD nên gặp bất lợi". Ngoài ra, thời gian qua sản lượng tôm nuôi một số nước như Ấn Độ, Thái-lan, Trung Quốc... phục hồi đã ảnh hưởng đến giá tôm trên thị trường. Rõ ràng dù đã xác định tôm là vật nuôi mũi nhọn nhưng chúng ta đã bị động trước những diễn biến của thị trường quốc tế, trước sức ép cạnh tranh từ các nước trong khu vực... Không chỉ nông dân gặp khó "treo ao" mà chính các doanh nghiệp cũng đang lúng túng từ cả nhập khẩu tôm giống lẫn ký kết xuất khẩu tôm.

Đến lúc cần quyết liệt tái đầu tư

Trong gần 15 năm qua, con tôm ở ĐBSCL đã trở thành vật nuôi mũi nhọn, mang lại hiệu quả kinh tế và đóng góp cho các tỉnh ven biển ĐBSCL rất lớn. Tuy nhiên, đến nay đây vẫn là vùng dễ chịu nhiều tổn thương nhất từ tác động của môi trường và thương trường. Bức tranh tổng thể sản xuất, chế biến thủy sản ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế: chất lượng nguồn nhân lực thấp, khả năng cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế.

Hầu hết hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản của các địa phương ĐBSCL chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nhất là chưa có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh phù hợp cho nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, nuôi trồng thủy sản vùng ven biển ĐBSCL trên vùng rất rộng, các mô hình nuôi trồng đan xen, manh mún, hệ thống ao nuôi chưa hoàn thiện, thiếu ao chứa, ao xử lý nước thải dẫn đến tình trạng chất lượng nước không bảo đảm cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm. Trong đó, đánh giá và đầu tư thủy lợi cho vùng nuôi tôm ĐBSCL vẫn là bài toán nan giải. Đơn cử như Cà Mau có tới 296 nghìn ha nuôi tôm, chủ yếu là nuôi tôm nước lợ. Nhưng cơ sở hạ tầng về điện, thủy lợi, cấp thoát nước... còn quá yếu, nhỏ và chắp vá. Để đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi này nguồn vốn dự kiến cần khoảng 15 nghìn tỷ đồng, trong khi ngân sách của tỉnh mỗi năm chỉ đầu tư được 200 tỷ đồng!?

Giải pháp trước mắt, các tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đã đưa ra khuyến cáo: Nông dân nên hạn chế thả giống để giảm rủi ro, đồng thời chờ giá tôm tăng trở lại. Theo ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, các ngành chức năng trên địa bàn đang tăng cường theo dõi thông tin thị trường, kịp thời thông tin diễn biến giá tôm cho doanh nghiệp và nông dân biết để chủ động kế hoạch sản xuất; hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc tôm nuôi, xác định kích cỡ tôm thu hoạch sao có lợi nhất. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường quản lý tốt chất lượng giống, thức ăn, hóa chất... nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi tôm và doanh nghiệp.

Dẫu sao cũng có tín hiệu vui bởi dù số lượng đơn hàng xuất khẩu có giảm, nhưng các nhà nhập khẩu sẽ tăng nhập khẩu dự trữ mặt hàng tôm cho dịp Noel trong thời gian tới. Doanh nghiệp và nông dân các tỉnh vùng nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL đang khẩn trương thực hiện liên kết hỗ trợ nhau trong sản xuất (tổ hợp tác, hợp tác xã...) để giảm các chi phí đầu vào và thường xuyên cử cán bộ khuyến ngư, thú y cơ sở để hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi và phòng, chống dịch bệnh. Theo dõi sát sự phát triển của tôm nuôi (nhất là sự biến động của môi trường), áp dụng các quy trình kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh. Đây chỉ là những giải pháp trước mắt. Về lâu dài, cần có những chính sách quyết liệt để tái đầu tư căn cơ từ giống, thủy lợi, kỹ thuật nuôi, mô hình liên kết sản xuất để con tôm ở ĐBSCL phát triển căn cơ hơn.

Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng thủy sản trong sáu tháng đầu năm 2015 ước đạt hơn 3 triệu tấn. Theo đó, sản lượng thu hoạch và diện tích nuôi tôm nước lợ đều giảm so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng tôm nước lợ thu hoạch đạt hơn 200 nghìn tấn, bằng 76%; xuất khẩu thủy sản ước đạt hơn 3 tỷ USD, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2014.

Vĩnh Tường Báo Nhân Dân, 10/07/2015