TIN THỦY SẢN

Nuôi cá chạch trên… cạn ở Sư đoàn 312

Bài và ảnh: LƯƠNG ĐÌNH THẢO

Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) đã tổ chức nuôi thành công mô hình cá chạch theo phương pháp công nghiệp (xem ảnh) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2011, Phòng Hậu cần Sư đoàn cử một số cán bộ, nhân viên về thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định tham quan mô hình nuôi cá chạch bùn xen trong ruộng lúa rất hiệu quả.

Tuy nhiên, trong cả nước chưa có đơn vị nào tổ chức nuôi, thả theo quy mô công nghiệp. Nhận thấy, nếu đưa vào bữa ăn bộ đội làm thức ăn sẽ rất tốt vì cá chạch có hàm lượng dinh dưỡng cao, bổ dưỡng; lượng thải bỏ khi chế biến rất ít nên Thượng tá Lê Bá Thành, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn, quyết tâm triển khai mày mò áp dụng mô hình nuôi cá chạch trong bể xi măng kết hợp ươm cá “bột” thả ngoài ao. Đơn vị đã cử một số nhân viên trực tiếp nuôi cá tham khảo, học tập kinh nghiệm xây dựng bể, kỹ thuật chăm sóc cá trong bể xi măng (loại bể tròn) tại Trung tâm thực nghiệm Trường Cao đẳng thủy sản 4 (Gia Lâm, Hà Nội), Trại cá giống Bạch Trữ (Phúc Yên-Vĩnh Phúc) và tham khảo các chuyên gia về vi sinh vật, tảo tại Phòng Vi sinh vật-Tảo (Đại học Quốc gia Hà Nội) để tự sản xuất tảo làm thức ăn cho cá chạch mới nở (cá bột).

Sau khi xây dựng khu nuôi, thả cá chạch, bao gồm: 1 khu nhà diện tích 850m2 và 1 ao ngoài trời có diện tích 800m2, mô hình nuôi cá được triển khai rất hiệu quả. Tổ nuôi cá chạch gồm 6 người chỉ sau hơn 4 tháng tổ chức nuôi đã thu được 1.550kg cá thương phẩm, bán ra thị trường thu lãi hơn 50 triệu đồng. Hiện sư đoàn đã tự sản xuất cá chạch giống để hạ giá thành sản phẩm.

Theo Thượng tá Lê Bá Thành, mô hình này có thể áp dụng ở nhiều đơn vị trong toàn quân.

Bài và ảnh: LƯƠNG ĐÌNH THẢO Báo điện tử Quân đội nhân dân, 07/01/2016