TIN THỦY SẢN

Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà ở Yên Bái

Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà cho thu nhập cao

Mông Sơn là xã nông thôn miền núi thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái để tận dụng tiềm năng lợi thế của địa phương, nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ việc phát triển mô hình nuôi cá lồng đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở xã Mông Sơn nói riêng và huyện Yên Bình nói chung. Nhiều hộ dân đã có thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng. Nhiều hộ đã làm trang trại trên đảo hồ để tiện chăm sóc và quản lý các lồng cá.

Là một trong những hộ nuôi cá lồng, gia đình anh Đỗ Văn Khải, ở thôn Làng Mới, xã Mông Sơn đã có nguồn thu nhập cao và ổn định từ nghề. Trước đây gia đình anh Khải sống bằng nghề đánh bắt rọ tôm trên hồ Thác Bà và kết hợp nuôi thêm 1 - 2 lồng cá để tăng thêm thu nhập. Nhờ chăm chỉ lại chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những hộ đã làm nên vụ cá đầu tiên đã cho gia đình chị nguồn thu nhập đáng kể. Gần đây thu nhập từ việc đánh bắt tự nhiên trên hồ cũng giảm. Nhận thấy việc chăn nuôi cá lồng cho công việc và thu nhập ổn định hơn nên đầu năm 2016 anh quyết định vay vốn đầu tư đóng mới 10 lồng để nuôi cá.

Qua học hỏi kinh nghiệm của những người chăn nuôi trước, cùng với những kiến thức học được sau khi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng, anh đã áp dụng vào điều kiện thực tế của gia đình mình từ khâu đóng lồng, chọn con giống và chăm sóc nên các đối tượng cá thả nuôi của gia đình anh luôn phát triển tốt, ít bị dịch bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, với 10 lồng nuôi 3 loại cá:trắm cỏ, cá rô phi đơn tính... của gia đình, mỗi lồng có thể tích trung bình trên 100 m3, theo tính toán của anh mỗi năm sau khi trừ chi phí cũng cho thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Cũng là một trong những hộ nuôi cá lồng lâu năm trên địa bàn xã, anh Trần Văn Từ - thôn Tân Minh, xã Mông Sơn đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc nuôi cá lồng. Gia đình anh Từ phát triển nuôi cá lồng từ nhiều năm nay, nhưng các lồng cá của gia đình anh chủ yếu đóng bằng tre, vầu nên tuổi thọ lồng không cao, dễ bị thất thoát cá. Nhận thấy nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đầu năm 2017 anh đã mạnh dạn đầu tư đóng mới 6 lồng cá bằng ống kẽm quây lưới để nuôi 1 số loài cá đặc sản như: cá nheo, cá lăng đuôi đỏ... nâng số lồng cá của gia đình anh lên 12 lồng. Theo anh, việc dùng lồng cá bằng ống kẽm quây lưới mặc dù chi phí cao nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn gấp nhiều lần do tuổi thọ cao mà còn có độ thông thoáng hơn lồng tre nên tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vệ sinh, phòng bệnh, thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cá.

Để việc phát triển nuôi trồng cá lồng trên hồ Thác Bà ở Yên Bái hiệu quả và bền vững. cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân với chính quyền địa phương cũng như các tổ chức đoàn thể trong việc quy hoạch vùng nuôi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Người dân cần tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

TTKNQG