TIN THỦY SẢN

Phân tích ưu và nhược điểm các loại cầu trong ao tôm

Cầu thăm nhá được thế kế bằng nhiều vật liệu khác nhau Thuần Phạm

Trong ao nuôi tôm, một trang bị quen thuộc mà chúng ta luôn nhìn thấy đầu tiên khi đến ao có thể kể đến đó chính là cầu thăm nhá. Đây được gọi là một người bạn đồng hành không thể thiếu của người nuôi tôm.

Chính vì lí do này, hôm nay Tép Bạc sẽ phân tích ưu và nhược điểm của các loại cầu người nuôi thường sử dụng dưới đây!. 

Cầu thăm nhá là gì? 

Cầu trong ao tôm hay còn gọi là cầu thăm nhá là một trang bị quan trọng cho ao nuôi. Cầu được bắt từ bờ ra gần giữa ao bằng các vật liệu như tre, gỗ, nhựa PVC, sắt,...  

Chúng có tác dụng hỗ trợ người nuôi trong công đoạn di chuyển từ bờ ao ra giữa ao để thăm nhá cho tôm ăn, giúp kiểm tra được tình trạng sức khỏe tôm hằng ngày. Đối với các ao nuôi tôm công nghệ cao, người nuôi thường sử dụng máy cho ăn tự động. Vì vậy, cầu nhá thường được tận dụng làm chỗ để đặt máy cho ăn.Ngoài ra, cầu nhá còn hữu ích cho các công đoạn lấy nước ao để xét nghiệm các chỉ số môi trường. Giúp vận chuyển tôm dễ dàng hơn khi thu hoạch.

Hiện nay, do quá trình cải tiến trong thiết kế ao nuôi. Các ao có diện tích nhỏ nếu đặt máy cho ăn lên điểm cuối của cầu sẽ rơi vào vị trí hố xi phong. Nếu thức ăn phun từ máy cho ăn rơi vào trọng tâm hố, vùng này thường tích tụ nhiều chất thải của ao nuôi, tôm vào đây ăn sẽ dễ mắc các bệnh đường ruột, phân trắng, thậm chí bị cuốn vào hố xi phông. Chính vì vậy, người nuôi sẽ thiết kế cầu ngắn lại để thuận tiện cho việc đặt máy cho ăn tự động hoặc bỏ hẳn loại cầu này trong ao khi sử dụng các loại máy cho ăn được phun từ bờ ao. 

Các loại cầu phổ biến trong ao nuôi tôm hiện nay 

Cầu làm bằng gỗ, tre

Ưu điểm: Chi phí đầu tư rẻ, một số hộ nuôi còn tận dụng cây có sẵn tại nhà.

Nhược điểm: Khi đi khá lõng lẽo, do tiếp xúc với nước nhiều nên cầu dễ mục, gãy, dễ gây thủng bạt.

Cầu thăm nhá dạng truyền thống được làm bằng tre, gỗ có sẵn

Cầu làm bằng ván, đế xi măng 

Ưu điểm: Khuyến khích sử dụng loại cầu làm bằng vật liệu này vì hiệu quả an toàn điện, lợi cho bạt ao cao.

Nhược điểm: Mặc dù đế được làm bằng xi măng, tuy nhiên mặt cầu vẫn được làm bằng ván nên tuổi thọ không cao.

Cầu làm bằng sắt 

Ưu điểm: Dễ lắc lư khi đi lên.

Nhược điểm: Cầu làm bằng sắt toàn diện nên nhanh rỉ sét, không an toàn điện.

Cầu thăm nhá làm hoàn toàn bằng sắt, không có tính an toàn điện. Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn

Cầu làm bằng ván, đế sắt 

Ưu điểm: An toàn điện với lớp mặt được làm từ ván gỗ cách điện, đế sắt cứng cáp lúc đi vững hơn.

Nhược điểm: Đế sắt tiếp xúc với nước ao nuôi nhanh rỉ sét.

Cầu làm bằng ván gỗ, đế xi măng bọc bằng ống nhựa PVC 

Ưu điểm: An toàn điện, vững chắc không lắc lư, tuổi thọ cao.

Nhược điểm: Chi phí đầu tư cao.

Những lưu ý khi sử dụng cầu nhá trong ao nuôi tôm 

Việc thiết kế và lắp đặt cầu nhá cần nên có sự lựa chọn kỹ lưỡng. Một số điều cần lưu ý như: 

- Sử dụng loại cầu thăm nhá tính an toàn điện cao.

- Bề mặt cầu nên chọn vật liệu có độ bám, chống trơn trượt.

- Đế cầu chọn loại vật liệu chịu lực nặng tốt, không rỉ sét, không ảnh hưởng đến bạt ao nuôi.

- Đối với cầu nhá có gắn máy cho ăn tự động, nên thiết kế bề mặt gần vị trí đặt máy sao cho thức ăn khi văng ra hạn chế bị bám lại trên cầu gây hao hụt thức ăn.

- Khi sử dụng cầu nhá, nên thường xuyên vệ sinh phía dưới đế cầu. Vì ở đây dễ bám các chất thải, tạo môi trường cho các loại vi khuẩn, nấm gây bệnh cho tôm.

- Đối với ao nuôi có diện tích nhỏ như ao tròn, người nuôi nên đặt nhá ở thành ao. Tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu.

Cầu có tác dụng hỗ trợ cho công đoạn thăm nhá tôm dễ dàng hơn

Việc lắp đặt cầu nhá thăm tôm đem đến nhiều lợi ích cho người nuôi, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít các vấn đề bất cập khi sử dụng cầu. Phải kể đến ở đây đó chính là khi thu hoạch tôm, cầu thăm nhá sẽ gây cản trở việc kéo tôm, dễ bỏ sót lượng tôm đáng kể. Vì vậy, dựa vào diện tích ao nuôi và nhu cầu sử dụng, bà con hãy lắp đặt cầu nhá phù hợp nhất có thể với ao nuôi của mình nhé! 

Thuần Phạm