TIN THỦY SẢN

Phát triển bề rộng, chưa đi vào chiều sâu

Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại TX Sông Cầu - Ảnh: L.HẢO Lê Hảo

Đó là nhận định của Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững (PTBV) tỉnh trong buổi làm việc mới đây với UBND TX Sông Cầu liên quan đến quá trình địa phương này triển khai Chương trình hành động 04/CTr-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

MÔ HÌNH NHIỀU, HIỆU QUẢ CHƯA BAO NHIÊU

Theo UBND TX Sông Cầu, giai đoạn 2011-2015, địa phương này tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 14%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tăng tỉ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, TX Sông Cầu cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do suy giảm kinh tế thế giới, biến động giá cả thị trường, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Điều này dẫn đến việc kinh tế địa phương phát triển chưa vững chắc, chất lượng tăng trưởng còn thấp; cơ sở vật chất trường học vừa thiếu, vừa xuống cấp; các dịch vụ văn hóa chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có mặt còn hạn chế…

Ông Nguyễn Hải Thành, Phó trưởng phòng Tài chính Kế hoạch TX Sông Cầu, cho biết: Triển khai Chương trình hành động 04/CTr-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên, địa phương đã phát triển hơn 20 mô hình sản xuất trên các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra, TX Sông Cầu còn thực hiện các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo như nuôi bò cỏ sinh sản, nuôi hàu thương phẩm (hàu Thái Bình Dương). Tuy nhiên, kết quả thực tế cho thấy chỉ một số mô hình mang lại hiệu quả như xử lý chất thải trong chăn nuôi heo bằng chế phẩm sinh học, trồng rau an toàn, nuôi tôm sú kết hợp hải sâm, trồng nấm rơm, trồng dưa hấu phủ bạt trên ruộng cạn, nuôi bò cỏ sinh sản… Các mô hình còn lại hầu như không hiệu quả hoặc hiệu quả rất thấp, không được khuyến khích nhân rộng.

Theo ông Thành, TX Sông Cầu cũng nhận thấy các mô hình nói trên chủ yếu tập trung phát triển kinh tế chứ chưa quan tâm đồng bộ đến việc đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn môi trường. Trong quản lý điều hành, chính quyền các cấp còn thiên về tốc độ tăng trưởng mà chưa chú trọng đúng mức đến chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của sự phát triển đối với môi trường, xã hội. Thế nhưng, vì cơ chế chính sách cụ thể cho PTBV vẫn còn thiếu, nhất là những chính sách mang tính ràng buộc để phục vụ mục tiêu, định hướng PTBV; các bộ phận nghiên cứu chuyên sâu nội dung PTBV cũng chưa được hoàn thiện nên TX Sông Cầu chưa kịp thời đề ra các chủ trương, kế hoạch, quy định… thực hiện mục tiêu PTBV trên địa bàn…

NỖ LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Tại buổi làm việc với UBND TX Sông Cầu, ông Trần Thiện Kim, Phó giám đốc Sở KH-ĐT, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo PTBV tỉnh, cho biết: PTBV phải đảm bảo cả ba yếu tố là phát triển kinh tế - đảm bảo an sinh xã hội - giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, các mô hình phát triển kinh tế ở TX Sông Cầu thời gian qua chỉ cho thấy có hiệu quả tạm thời chứ chưa mang tính bền vững. Vì vậy, địa phương cần xây dựng và thực hiện một số mô hình có khả năng phát triển bền vững phù hợp với tập quán, trình độ nhận thức của người dân để phổ biến, nhân rộng. Ví dụ như các mô hình du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp hữu cơ, cộng đồng tham gia trồng và bảo vệ rừng, sử dụng vật liệu tái chế, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND TX Sông Cầu, chia sẻ: Địa phương rất nỗ lực để PTBV nhưng vì PTBV là vấn đề còn khá mới mẻ, là vấn đề có tầm nhìn xa, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của thị xã còn nhiều khó khăn nên nguồn lực dành cho chiến lược này hạn chế. Giai đoạn 2015-2020, TX Sông Cầu đề xuất ba mô hình PTBV gồm mô hình thí điểm nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo thông qua hình thức nông lâm kết hợp, dự kiến triển khai trên diện tích 40ha tại hai xã Xuân Thọ 1 và Xuân Lâm với tổng kinh phí thực hiện 10 tỉ đồng; mô hình đào tạo nghề may dân dụng và công nghiệp với quy mô tuyển sinh 250 người/năm, kinh phí khoảng 1 tỉ đồng/năm; mô hình chăn nuôi bò cỏ sinh sản dự kiến triển khai tại các xã đặc biệt khó khăn ở TX Sông Cầu với kinh phí khoảng 400 triệu đồng/năm. Theo ông Tuấn, đây là các mô hình thị xã dự kiến thực hiện. Sau khi xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Chương trình hành động 04/CTr-UBND, địa phương sẽ soát xét lại và tiếp tục đăng ký các mô hình PTBV phù hợp với điều kiện thực tế. TX Sông Cầu sẽ kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn chung tay tham gia; đồng thời đề nghị các sở, ban, ngành, Văn phòng PTBV tỉnh hỗ trợ địa phương trong quá trình thực hiện.

Công ty TNHH Nguyễn Hưng sẵn sàng tham gia hỗ trợ TX Sông Cầu triển khai các mô hình PTBV trên địa bàn vì chúng tôi hiểu rằng PTBV là mục tiêu chung của toàn xã hội và các doanh nghiệp phải có trách nhiệm chung tay thực hiện. Trước mắt, Công ty TNHH Nguyễn Hưng đã chủ động đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động nông thôn; hỗ trợ xã Xuân Phương đầu tư đường điện phục vụ dân sinh... (Ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng)

Lê Hảo Báo Phú Yên, 04/09/2015