TIN THỦY SẢN

Phù phép di sản thiên nhiên thành khu đô thị tại Vịnh Hạ Long

Đoạn đường xâm lấn đến vùng đệm Vịnh Hạ Long. Ảnh: tienphong.vn Hòa Thy

4ha đất bị ĐÀO XỚI - ĐỔ ĐẤT - QUAY TRÒN, 32ha đất nhồi nhét 451 căn biệt thự,... là những gì đã và đang diễn ra tại vịnh Hạ Long - Quảng Ninh. Vậy ai đã cấp phép, hô biến 1 di sản thiên nhiên thành khu đô thị?

Vùng đệm Vịnh Hạ Long đang ngày đêm bị san lấp

Trong thời gian gần đây, những người dân đang sinh sống tại khu vực, đã phản ánh các loại xe “hổ vồ” nối đuôi nhau chở đất đá san lấp cho Dự án Khu đô thị 10B. tình trạng này bỗng trở nên quá tải khi mà xe không có bạt che phú, khiến lượng đất đá vung vãi khắp mặt đường.

Được biết, đây là dự án mới thuộc địa giới phường Quang Hanh, tp Cẩm Phả. Do công ty TNHH Đỗ Gia Capital làm chủ đầu tư, có tên là Khu đô thị 10B. Điểm đặc biệt, dự án này không nằm trong vùng lõi của Vịnh Hạ Long và đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng ý.

Trong bản phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án có nêu như sau: Dự án Khu đô thị 10B có tổng diện tích 31,8ha, trong đó có 3,88ha thuộc vùng đệm, khu vực 2 của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Quy mô dự án bao gồm: 451 căn biệt thự và nhà ở liền kề, 52 căn biệt thự xây thô và hoàn thiện mặt ngoài. Thêm vào đó là một số công trình thương mại dịch vụ và các khách sạn 7 tầng sẽ được xây dựng. Quy mô dân số nằm khoảng 2.524 người.

Vậy, tại sao một công ty chỉ mới “42 ngày tuổi” với vốn điều lệ 200 tỷ đồng  lại có thể loại được 8 đối thủ nặng ký để trúng khu đất giá nghìn tỷ này với mức đấu giá 1.192 tỷ đồng. Và khi chúng ta lật lại con số đấu giá khởi điểm là 1.145.3 tỷ đồng, tức đã chênh lệch đến 46 tỷ đồng. 

Liệu rằng các ban ngành liên quan có biết được, một phần của di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long đang phải oằn mình, chống chịu dưới lớp đất đá?

Doanh Nghiệp - Di Sản: Chọn lợi ích kinh tế hay di sản quốc gia

Việc UNESCO nhiều lần khuyến cáo về việc Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đang chịu nhiều áp lực từ các hoạt động du lịch, vận tải biển và quá trình đô thị hóa là minh chứng cho những lo ngại của cộng đồng quốc tế về tình trạng môi trường của vịnh Hạ Long. Do đó, việc Quảng Ninh định hướng phát triển trong những năm tới sẽ không đào núi, lấp biển và tập trung phát triển nền kinh tế xanh là một tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, người ta lại không hiểu sao một dự án “bê tông hóa” như Khu đô thị 10B lại hiển nhiên được phê duyệt. Bởi họ biết rất rõ đây là khu vực với 4ha đất nằm trong vùng đệm của di sản Vịnh Hạ Long.

Hiện nay sự việc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ảnh: tienphong.vn

Trước khi có quyết định này, dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả được thiết kế theo phương án phá núi mở đường. Phương án này sẽ giúp rút ngắn thời gian và chi phí thi công, nhưng sẽ tác động tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên của khu vực.

Với quyết định của Bí thư Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã buộc phải điều chỉnh dự án, bổ sung thêm đoạn hầm xuyên núi. Đoạn hầm này có chiều dài 235m, với 2 ống hầm, mỗi ống 3 làn xe. Tổng mức đầu tư cho đoạn hầm này là 150 tỷ đồng. Việc xây dựng hầm xuyên núi đã giúp giữ lại cảnh quan nguyên trạng cho vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. 

Trước đó, việc tỉnh Quảng Ninh quyết định xây dựng hầm xuyên núi để hạn chế tối đa việc phá núi mở đường khi xây dựng đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với việc bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Quyết định này đã góp phần giữ gìn giá trị của vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, một di sản thiên nhiên thế giới.

Tuy nhiên, việc một khu đô thị sắp được mọc lên ngay cạnh con đường này với hơn 500 căn biệt thự, liền kề, khách sạn và khu dịch vụ thương mại sẽ án ngữ và trực tiếp uy hiếp vùng lõi vịnh Hạ Long là một điều đáng lo ngại.

Việc đổ đất trực tiếp xuống vùng nước vịnh Hạ Long sẽ làm thay đổi thành phần hóa học của nước, làm tăng hàm lượng chất ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nước. Ngoài ra, đất đổ xuống cũng sẽ làm giảm độ trong của nước, cản trở ánh sáng mặt trời xuyên xuống, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của các sinh vật biển. Đồng thời, làm phá hủy các hệ sinh thái biển, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, các loài sinh vật biển quý hiếm, và hạn chế đa dạng sinh học của vịnh Hạ Long, ảnh hưởng đến giá trị di sản thiên nhiên của vịnh.

Đây là một thực tế đáng lo ngại, bởi nó cho thấy động cơ của chủ đầu tư dự án Khu đô thị 10B không phải là bảo vệ môi trường và di sản, mà là lợi nhuận kinh tế. Để đảm bảo việc bảo vệ vịnh Hạ Long, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc triển khai dự án này, đảm bảo dự án được thực hiện đúng quy định pháp luật, không gây ảnh hưởng đến môi trường và di sản.

Hòa Thy