TIN THỦY SẢN

Tái cơ cấu ngành thủy sản tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho chế biến thủy sản

Thu hoạch ao nuôi tôm thẻ chân trắng   Ảnh: Thanh Vũ Thanh Vũ

Năm 2013, Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 588 nghìn héc-ta ao nuôi tôm với sản xuất được gần 388 nghìn tấn, đưa Việt Nam lên thành nhà xuất khẩu tôm thứ 3 thế giới với tổng giá trị xuất khẩu đạt 2,5 tỷ đôla, tăng 33% so với năm 2012. Trong 2 tháng đầu năm 2014, giá trị tôm nuôi xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long đạt 430 triệu đôla.

Mặc dù tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, khó kiểm soát nhưng diện tích và sản lượng không ngừng gia tăng; trong khi đó các nhà máy chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu sản xuất. Trước tình hình trên, để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản cần thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản với một số nội dung như:

Quy hoạch các vùng nuôi cho từng đối tượng như: các vùng nuôi quảng canh, bán thâm canh, thâm canh tôm thẻ, thâm canh tôm sú; đồng thời, tuyên truyền  các hộ nuôi phải nuôi theo qui hoạch vùng nuôi và lịch thời vụ của ngành nông nghiệp khuyến cáo. Việc quy hoạch vùng nuôi giúp các nhà máy đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, thuận tiện cho việc xử lý nước thải sau mỗi vụ nuôi.

Đầu tư cơ sở hạ tầng: đường giao thông, lưới điện tại các vùng nuôi tôm thâm canh để thuận tiện trong sản xuất và giảm chi phí đầu tư cho hộ nuôi tôm.

Đảm bảo các yếu tố đầu vào phục vụ cho nuôi tôm như: tôm giống đủ và sạch bệnh, thuốc phải đảm bảo chất lượng phục vụ cho nuôi tôm.

Thực hiện cho hộ nuôi  vay vốn ưu đãi để tái cơ cấu và mở rộng sản xuất.

Hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm để tranh thủ nguồn vốn vay ưu đải, tạo liên kết trong sản xuất.

Thực hiện mô hình liên kết bốn nhà trong đó các doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư vốn cho hộ nuôi để sản xuất và thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cơ quan quản lý địa phương hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi, các trường và viện nghiên cứu cần nghiên cứu mô hình phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh trên tôm, hộ nuôi phải thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan địa phương và hợp đồng ký kết với doanh nghiệp.

Phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, giữ vững và tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản.

Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và vai trò của hiệp hội thủy sản.

Quy hoạch lại hệ thống các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn theo hướng tập trung để thuận tiện trong việc xử lý chất thải, không ảnh hưởng đến dân cư xung quanh.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm thông qua các biện pháp: áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia bắt buộc đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh, chế biến thủy sản; thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh thủy sản trên địa bàn.

Nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng và đa dạng hóa các mặt hàng thủy sản: các cơ sở sản xuất-kinh doanh trên địa bàn bắt buộc áp dụng chương trình quản lý chất lượng: GMP, SSOP, HACCP; giữ ổn định tỷ trọng các mặt hàng truyền thống gia tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng.

 Ứng dụng các quy trình sản xuất mới, hiện đại phục vụ cho sản xuất và thường xuyên tổ chức đào tạo cho cán bộ quản lý địa phương, doanh nghiệp, công nhân chế biến tại các nhà máy.

Thanh Vũ Sở NN&PTNN Bạc Liêu, 31/03/2014