TIN THỦY SẢN

Tiêu chuẩn SA 8000 trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Các đại biểu tham dự hội thảo “SA 8000 – Xu hướng khẳng định trách nhiệm xã hội của ngành thủy sản và cập nhật về tiêu chuẩn ASC cho tôm” do Bureau Veritas Certification VN tổ chức tại Hội chợ Vietfish 2013. Đỗ Văn Thông

Khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bên cạnh các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, việc áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ quyền lợi người lao động, mà cụ thể là tiêu chuẩn SA 8000, là hết sức cần thiết, để DN có thể tham gia vào sân chơi quốc tế rộng lớn hơn trong một môi trường kinh doanh mới đầy cam go.

Sự cần thiết áp dụng SA 8000

Vừa qua, hàng loạt sự cố tai nạn lao động nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại về của cải và tính mạng người lao động đã xảy ra tại một số nước như Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, ... Ngoài những thiệt hại trực tiếp, các sự cố này đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và sức cạnh tranh của hàng hóa các quốc gia trên thị trường thế giới.

Đó chính là những hồi chuông cảnh báo cho các DN, nhắc nhở họ phải quan tâm nhiều hơn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội (TNXH), trong đó có bộ tiêu chuẩn SA 8000, nhằm bảo vệ tốt hơn tính mạng, lợi ích chính đáng của người lao động cũng như uy tín hàng hóa của DN mình trên thị trường thế giới.
SA 8000 không chỉ là những yêu cầu về môi trường lao động và quyền lợi của người lao động, mà còn cung cấp công cụ hỗ trợ DN để duy trì các tiêu chuẩn ấy. Rất nhiều DN NK trên thế giới hiện nay, nhất là ở thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, đòi hỏi về SA 8000. Đây là sự quan tâm của đối tác đến việc sản phẩm được tạo ra trong môi trường làm việc an toàn, công bằng và tuân thủ các giá trị đạo đức...

Áp dụng SA8000 đem lại quyền lợi bình đẳng cho người lao động, tăng hiệu quả và tính cạnh tranh cho DN; giúp giảm tai nạn, tăng chất lượng sản phẩm; khuyến khích tinh thần làm việc và sự gắn bó của công nhân với DN; phát triển thêm thị trường và khách hàng mới.

SA8000:2008 là bộ tiêu chuẩn tự nguyện, tập trung vào hệ thống quản lý liên quan đến TNXH nằm trong bộ tiêu chuẩn SA8000 do tổ chức SAI ban hành năm 2008. Tiêu chuẩn này được xây dựng tương thích với cấu trúc tiêu chuẩn ISO9001, ISO14001, OHSAS18001 và dựa vào các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tuyên bố Liên Hợp Quốc về Quyền Con người và Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em.

Thuật ngữ “TNXH” trong tiêu chuẩn SA8000 đề cập đến điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan, như lao động trẻ em; lao động cưỡng bức; an toàn sức khoẻ; tự do hội họp và thoả ước lao động tập thể; kỷ luật; thời gian làm việc; thù lao và hệ thống quản lý, phân biệt đối xử… Khi xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn SA8000:2008, tổ chức có hệ thống quản lý TNXH có thể tạo ra môi trường làm việc giảm thiểu được các rủi ro liên quan đến an toàn lao động, công nhân được đối xử công bằng, nhằm thỏa mãn nhu cầu của người lao động, khách hàng và yêu cầu của luật pháp.

Theo ông Nguyễn Từ Hải, GĐ Kỹ thuật Công ty Bureau Veritas Certification VN, hiện nay, phòng cháy chữa cháy là một trong những vấn đề lớn khi áp dụng tiêu chuẩn SA8000 vào thực tế sản xuất ở Việt Nam. Tổ chức SAI đã thông báo sẽ kiểm tra rất chặt chẽ và sẵn sàng treo giấy chứng nhận đã cấp nếu DN không tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Gần đây, qua các sự cố vừa xảy ra, tất cả các chứng nhận SA8000 tại Bănglađet đều đã bị đình chỉ, toàn bộ các tổ chức chứng nhận không được chứng nhận tiêu chuẩn TNXH cho Bănglađet nữa, cho đến khi có kết quả điều tra sự việc về tình trạng luật pháp tại nước này. Điều đó cũng diễn ra tương tự đối với Pakistan. Và do đó, một số khách hàng trong ngành hàng tiêu dùng, dệt may, thủy sản bắt đầu từng bước giảm đơn hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của các quốc gia này.

Ở Việt Nam, dù ít xảy ra các sự cố nghiêm trọng, nhưng chúng ta phải xem đây là bài học kinh nghiệm để có những giải pháp hữu hiệu, kịp thời chặn đứng những nguy cơ, không để xảy ra tình trạng tương tự.

SA 8000 và ngành thủy sản Việt Nam

Giống như một số ngành kinh tế trọng điểm như dệt may, da giày,…ngành thủy sản có đội ngũ lao động đông đảo, sản phẩm thủy sản có mặt tại nhiều thị trường, vì vậy vấn đề TNXH, trách nhiệm đối với người lao động càng phải được đặc biệt quan tâm nhằm gia tăng tính cạnh tranh, bảo vệ uy tín của sản phẩm. Đây chính là một trong những nền tảng của sự phát triển bền vững ngành.

Bên cạnh Nhật và EU, Mỹ là thị trường quan trọng và ngày càng hấp dẫn đối với các mặt hàng thủy sản XK của Việt Nam. Tuy nhiên, thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường này không dễ. Bên cạnh những đòi hỏi, yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, Mỹ luôn đề cao vấn đề nhân quyền và ủng hộ Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em. Vì vậy, tiêu chuẩn SA8000 được coi là một trong những bằng chứng thể hiện TNXH của DN, là cơ sở để các DN NK tại Mỹ gián tiếp khẳng định trách nhiệm của họ đối với xã hội. Có chứng nhận SA8000 sẽ giúp DN Việt Nam thuận lợi hơn trong đàm phán hợp đồng, tăng lợi thế cạnh tranh và tạo ra giá trị riêng cho chính DN của mình.

Tùy theo quy mô DN, chi phí chứng nhận SA8000 có thể lên tới hàng ngàn USD. Đây thật sự là gánh nặng làm gia tăng chi phí trong môi trường ngày càng có nhiều các tiêu chuẩn buộc DN phải áp dụng. Tuy nhiên, với những lợi ích thiết thực mà SA8000 mang lại thì đó vẫn là khoản đầu tư cần thiết, khi mà lực lượng lao động cho ngành thủy sản đang trở nên khan hiếm, chất lượng nguồn lao động ở mọi cấp độ đang thực sự tụt dốc, cộng thêm sự bất ổn của đội ngũ lao động lành nghề… SA 8000 có thể đóng góp phần nào trong việc giải quyết những khó khăn, thách thức này. Đó là lý do tại sao, SA8000 ngày càng được quan tâm và áp dụng rộng rãi trong cộng đồng DN thủy sản.

Dù còn tương đối mới, nhưng SA 8000 gần như sẽ là một trong những động lực cho sự phát triển nguồn nhân lực cho ngành thủy sản. Các DN thủy sản sẵn sàng khẳng định trách nhiệm của mình với xã hội và cộng đồng, tiến tới xây dựng một ngành thủy sản phát triển bền vững, mang lại sự ổn định về nguồn nhân lực và phúc lợi cao hơn cho người lao động.

Đỗ Văn Thông Vietfish.org