TIN THỦY SẢN

“Trụ đỡ” sao vẫn chịu thiệt thòi?

Ảnh minh họa hoàng trọng quỳnh

Các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách luôn khẳng định, nông nghiệp đã thể hiện tốt vai trò trụ đỡ, cứu cánh cho nền kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế phủ “bóng đen” lên nhiều ngành nghề. Nhưng có một nghịch lý là chưa bao giờ “trụ đỡ” ấy được hưởng nhiều ưu đãi so với những ngành khác và so với tiềm năng, lợi thế.

Điểm sáng của nền kinh tế

Chỉ sau một năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính bắt đầu tác động đến các quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi nhiều nước phải chịu tăng trưởng âm, số nước có chỉ số tăng trưởng dương cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 6,5%/năm trong giai đoạn sau 5 năm nước ta gia nhập WTO. Dù thấp hơn so với giai đoạn 5 năm trước khi gia nhập WTO (bình quân 7,8%/năm) và không đạt được mục tiêu đề ra nhưng đây vẫn được coi là điểm cộng của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Có một điều khá thú vị là trong tác động của cuộc khủng hoảng, trong khi ngành công nghiệp có độ sụt giảm sâu về tốc độ tăng trưởng thì nông nghiệp vẫn giữ vững nhịp độ tăng trưởng, thậm chí ở nhiều thời điểm nó còn thể hiện rõ vai trò trụ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế. Cụ thể, sau 5 năm gia nhập WTO, nông nghiệp vẫn đạt được sự tăng trưởng tốt nhất, bình quân 3,4%, vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 3 – 3,2%. Trong suốt những năm tháng ấy, có thời điểm doanh nghiệp, nông dân phải chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn do giá nông sản xuống thấp kỷ lục (năm 2009 - trong năm này, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp chỉ đạt 1,8%, thấp nhất kể từ thời điểm năm 1991) nhưng nông nghiệp vẫn đóng góp cho bức tranh xuất khẩu của Việt Nam những gam màu sáng, với nhiều mặt hàng được gia nhập nhóm các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên như lúa gạo, thủy sản, cao su, càphê, tiêu,... Riêng trong quý I/2013, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Không những thế, nông nghiệp, nông thôn luôn là chỗ dựa vững chắc cho nhiều người khi thị trường lao động có biến động, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Trong bối cảnh những hàng rào phi thuế quan các nước liên tục dựng lên để bảo hộ nền sản xuất trong nước, hàng nông sản (chủ yếu là thủy sản) của Việt Nam phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, nông dân và các doanh nghiệp Việt vẫn vững vàng vượt qua khó khăn, người sản xuất bắt đầu có thái độ kinh doanh nghiêm túc hơn, chăm lo hơn đến thương hiệu, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn để chuẩn bị trước cho các vụ kiện chống bán phá giá.

Đánh giá về điều này, TS.Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, rõ ràng, nông nghiệp đã trở thành cứu cánh quan trọng cho nền kinh tế, là điểm sáng của Việt Nam trong khó khăn.

Vai trò tăng nhưng bảo hộ thực tế giảm

Thực hiện các cam kết hậu WTO, Việt Nam phải giảm thuế suất nhiều mặt hàng nhập khẩu, nghĩa là sự bảo hộ danh nghĩa với sản phẩm hàng hóa trong nước, trong đó có nông sản không còn nhiều.

Thực tế là bảo hộ trong nước cho ngành nông nghiệp sau WTO giảm mạnh (một số trường hợp đi trước lịch trình cam kết như thịt tươi, đông lạnh và chế biến, thủy sản; một số ngành có bảo hộ thực tế thấp hơn 0 như mía, cao su, cây lâu năm, trâu, bò, lợn, gia cầm). Tuy vậy, chỉ số lan tỏa kinh tế của rất nhiều ngành vẫn lớn hơn 1 như trâu, bò, lợn, gia cầm, các sản phẩm chăn nuôi khác, thủy sản nuôi trồng, lúa gạo (khi một ngành có chỉ số lan tỏa kinh tế phát triển – lớn hơn 1 thì không chỉ có lợi cho bản thân ngành đó mà còn có tác dụng kích thích toàn bộ nền kinh tế; cụ thể hơn, khi sản phẩm của những ngành có chỉ số lan tỏa cao được tiêu thụ (kích cầu đúng nghĩa của nó) sẽ kích thích mạnh nền kinh tế); trong khi ngành công nghiệp có bảo hộ thực tế cao thì lại chưa được như kỳ vọng (nhiều mặt hàng có chỉ số lan tỏa thấp hơn 1 như: trang phục các loại, hóa chất cơ bản, phân bón và hợp chất nitơ, sản phẩm từ plastic…).

Không những vậy, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và đáp ứng được nhu cầu của ngành. Một con số thống kê cho thấy, đầu tư cho lĩnh vực này không tăng, thậm chí giảm dần theo thời gian. Nếu như năm 2000, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp chiếm khoảng 13,8% GDP thì đến năm 2005, chỉ còn 7,5% và 6,45% vào 2008, tới năm 2010, con số đầu tư chỉ còn 6,26% GDP. Trên thực tế, trong quá trình đàm phán WTO, người ta cho phép đầu tư vào khu vực nông nghiệp khoảng 10% GDP nhưng nhiều năm qua Việt Nam vẫn chưa đạt được con số này.

Đó là chưa kể, các doanh nghiệp (kể cả trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI) cũng không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2012, tính chung cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, Việt Nam thu hút được 13,013 tỷ USD vốn FDI nhưng chỉ có 87,7 triệu USD rót vào nông nghiệp, tức chỉ chiếm 0,6%. Tính luỹ kế đến hết năm 2012, Việt Nam đã thu hút 213,651 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn FDI đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ là 3,357 tỷ USD (chiếm khoảng 1,5%).

Còn một nghịch lý nữa là nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã được ban hành, triển khai nhưng hiệu quả thực tế không được như mong muốn. Đơn cử như chính sách cấp bách hỗ trợ cho chăn nuôi và thủy sản của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 8/2012. Trên thực tế, số doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ứu đãi không nhiều dù theo báo cáo của các ngân hàng, đã có 38.000 tỷ đồng được tung ra cho ngành nuôi cá tra. Tuy nhiên, những nông dân nuôi cá may mắn lắm thì tiếp cận được khoảng 30% nguồn vốn này, còn lại 70% thuộc về các doanh nghiệp và không loại trừ khả năng các doanh nghiệp lập dự án vay phục vụ chế biến, xuất khẩu cá tra nhưng lại đi đầu tư vào lĩnh vực khác. Khảo sát của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại HTX Thủy sản Châu Phú, xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú, An Giang) cho thấy, hiện tại tất cả các xã viên HTX đều phải vay vốn nuôi cá từ nhiều ngân hàng khác nhau như: Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn... Có 13 xã viên HTX được vay vốn thời điểm sau tháng 8/2012 với mức từ 300 triệu đến 3 tỷ đồng, nhưng hầu hết không phải là vay mới để đầu tư vào nuôi cá mà là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT thực hiện đáo hạn và gia hạn nợ cũ.

Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo cũng vậy, dù đối tượng chính nhắm đến là nông dân nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp của Hiêp hội Lương thực Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn cả khi mà họ vừa được vay vốn với lãi suất ưu đãi, vừa mua được lúa với giá rẻ (nông dân thường bán ồ ạt vào vụ thu hoạch để cung ứng các khoản nợ trong quá trình sản xuất và do không có kho chứa).

Cần hệ thống chính sách đồng bộ

Từ những yếu kém nội tại của ngành nông nghiệp như phát triển còn kém bền vững; sức cạnh tranh thấp; chưa phát huy tốt nguồn lực; công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ, phát triển thương hiệu và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành còn chậm; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến thấp; tổn thất sau thu hoạch khá cao; các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh sản xuất hàng hoá; nhiều lao động giản đơn chưa được đào tạo nghề; diện tích đất canh tác bị thu hẹp,… nhiều ý kiến cho rằng, cần một hệ thống chính sách đồng bộ để đưa ngành nông nghiệp phát triển xứng tầm. Trong đó, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn là việc cần làm trong thời gian tới. Muốn vậy, cần phải có những giải pháp để giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực này, nghĩa là cần đẩy mạnh triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp.

Nhận thức rõ những thách thức của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, trong báo cáo: “Vun trồng một tương lai no đủ”, tổ chức Oxfarm cũng đề xuất 5 chính sách để thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam, đó là: Chấm dứt đói nghèo, suy dinh dưỡng và giải quyết căn bản các nguyên nhân gây mất an ninh lương thực; đưa người dân vào tiến trình phát triển và chấm dứt mọi hình thức loại trừ, gạt bỏ; tăng đầu tư cho nông dân sản xuất quy mô nhỏ; cải thiện chính sách đất đai; tăng cường sức mạnh và sự tham gia của nông dân thông qua các tổ nhóm nông dân.

Nhưng dù thế nào, việc thực thi các chính sách sao cho hiệu quả mới là điều quan trọng. Bởi đã có nhiều chính sách được ban hành nhưng không đến được với nông dân hoặc có đến cũng chậm chạp và không được như kỳ vọng. Sự minh bạch trong việc triển khai các chính sách, hướng đến hài hòa lợi ích là điều chúng ta cần phải đạt được để nông nghiệp xứng đáng với vị thế của mình và nông dân sớm thoát khỏi cảnh hai sương một nắng.

hoàng trọng quỳnh kinhtenongthon.com.vn