TIN THỦY SẢN

Xử lý môi trường ao nuôi bị ô nhiễm

Nước ao bị ô nhiễm dẫn đến các hệ lụy nghiêm trọng. Ảnh: mybinh.com.vn Mây

Trong nuôi trồng thủy sản, ô nhiễm ao nuôi là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên hậu quả của nó đem đến rất nghiêm trọng nếu không có các biện pháp giải quyết kịp thời. Hôm nay hãy cùng Tép Bạc tìm hiểu những nguyên nhân gây nên ô nhiễm và biện pháp xử lý nhé!

Nguyên nhân nước ao bị ôm nhiễm? 

Ngày nay, việc chăn nuôi thủy sản phát triển nhanh chóng, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến môi trường ao nuôi bị suy thoái. Dưới đây là 3 nguyên nhân chính gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nuôi trồng thủy sản và cần có biện pháp xử lý ao nuôi bị ô nhiễm đúng lúc: 

Do các hoạt động chăn nuôi tôm cá 

Các hoạt động từ quá trình chăn nuôi tôm cá là nguyên nhân chính khiến cho nguồn nước trong ao bị ô nhiễm. Quá trình nuôi tôm tạo ra nhiều loại chất thải hữu cơ như: thức ăn thừa, phân tôm, các hóa chất lắng đọng trong bùn và nước ao,…Các loại chất thải này khiến cho môi trường nước ao bị ô nhiễm nghiêm trọng. 

Thực tế, tôm cá chỉ hấp thu được khoảng 70-80% lượng thức ăn được cung cấp trong quá trình chăn nuôi. Phần thức ăn dư thừa còn lại sẽ bị lắng xuống đáy ao hoặc là trôi nổi trên mặt nước.  

Thức ăn dư thừa cùng với phân của vật nuôi và các chất hóa học khác sẽ khiến cho nguồn nước ao bị ô nhiễm nặng nề nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách. 

Do sử dụng nguồn nước cung cấp chưa được xử lý 

Một nguyên nhân khác dẫn đến ô nhiễm nguồn nước chính là do quá trình thay nước ao khi nuôi trồng. Theo đó, nguồn nước cung cấp không qua xử lý, mang các chất thải sinh hoạt, công nghiệp và hóa chất độc hại từ bên ngoài vào làm ô nhiễm môi trường ao nuôi. 

Chính vì thế ngay khi thay nước ao, người nuôi tôm cần chú ý đến nguồn nước đưa vào ao. Cần đảm bảo nước được xử lý sạch sẽ, không bị nhiễm độc từ các khu công nghiệp. 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nước ao nuôi. Ảnh: tincay.com

Do các tác nhân từ tự nhiên 

Bên cạnh các nguyên nhân phát sinh từ hoạt động chăn nuôi thì các tác nhân khách quan từ thời tiết, khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ao nuôi tôm. Điển hình là tình trạng rác thải, xác động vật bị cuốn trôi xuống ao khi xảy ra tình trạng lũ lụt, ngập úng.  

Những loại rác này lắng đọng trong ao và khiến cho môi trường nước cũng như sức khỏe thủy sản bị ảnh hưởng. Do đó các hộ nuôi tôm cần có biện pháp xử lý nước ao nuôi tôm đúng đắn và kịp thời. 

Tác hại do môi trường ao ô nhiễm đem lại 

Khi bị ô nhiễm, ao dễ có các loại khí độc như NO2, H2S gia tăng nhanh chóng. Các loại khí độc này tạo ra từ sự tích lũy chất hữu cơ và thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi tôm.  

Cuối chu kỳ nuôi tôm, chất lượng nước trong ao thường bị suy giảm nhanh chóng do các chất này. 

Khi nước ao nuôi tôm có hàm lượng chất thải cao thì quá trình phân hủy chất thải sẽ làm giảm lượng oxy hòa tan trong ao. Điều này diễn ra thường xuyên khiến cho tôm bị thiếu oxy. 

Chất lượng nước suy giảm là nguyên nhân chính tác động đến sức khỏe của tôm nuôi, khiến tôm bị mắc bệnh và có thể chết. Đây là yếu tố khiến cho năng suất và sản lượng tôm nuôi bị suy giảm, gây thiệt hại cho người nuôi tôm. 

Cách xử lý ao nuôi bị ô nhiễm hiệu quả 

Tăng cường sục khí oxy 

Môi trường ao nuôi bị ô nhiễm có thể dẫn đến các loài sinh vật trong ao thiếu oxy, bị nhiễm độc bởi các chất khí có hại như NH3, H2S… Do đó cần tăng cường sục khí oxy tối đa để xử lý ao nuôi bị ô nhiễm cũng như cung cấp đủ dưỡng khí cho thủy sản sinh trưởng. 

Xử lý đáy ao 

Sau khi thu hoạch tôm, người nuôi tiến hành tháo cạn nước ao, nạo vét hết lớp bùn nhão, bón vôi bột để khử trùng và cải tạo đáy ao. Liều lượng vôi bột bón cho 1 ha ao là 500 – 1.000 kg. Sau khi bón vôi, phơi khô ao trong 10 – 15 ngày.

Xử lý nước trước khi thả giống

Thay nước mới cho ao nuôi 

Khi tình hình nước ao nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng thì cần phải thay nước ngay lập tức. Bà con tiến hành tháo nước và xử lý đất đáy ao. Sử dụng các loại vi sinh thủy sản để làm sạch nước. Cho ăn đúng lượng thức ăn, không để quá nhiều thức ăn thừa. Khi có gió mùa hoặc bão thì giảm lượng thức ăn 5 – 7%. 

Xử lý nước cấp vào ao nuôi 

Bà con có thể lọc qua túi lọc để loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp. Sử dụng hóa chất diệt khuẩn để tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh.  

Một số hóa chất thường được sử dụng như: KMnO4, Chlorine, Iodine,… Phơi nắng để diệt khuẩn tự nhiên. Sử dụng men vi sinh cho tôm để xử lý tạo hệ vi sinh vật hữu hiệu cho ao tôm. 

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm nước ao nuôi, bà con lưu ý khi xử lý nước cần thực hiện đúng các quy trình và thường xuyên để đảm bảo chất lượng nước ao nuôi tốt nhất. Sử dụng các loại hóa chất diệt khuẩn, chế phẩm sinh học có nguồn gốc rõ ràng và sử dụng đúng liều lượng nhà sản xuất đề ra. 

Mây