Cơ cực miền thùy dương: Vùng biển lắm tai ương

Để có những chuyến tàu, thuyền cập bến với cá nặng lưới đầy, người dân miền biển, nhất là người phụ nữ, không ít lần phải ngậm đắng nuốt cay mỗi khi đại dương nổi trận cuồng phong

bà Sao
Chồng mất, một mình nuôi 8 đứa con cùng nợ nần chồng chất khiến bà Nguyễn Thị Sao sống trong tủi cực Ảnh: ĐỨC NGỌC

Xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa nằm quay mặt ra phía biển. Đất chật người đông lại không có đất nông nghiệp nên đi biển là nghề chính. Biển đã nuôi sống bao thế hệ con người của mảnh đất này nhưng cũng đã lấy đi không ít máu và nước mắt.

Kinh hoàng bão, lốc

Nhắc lại cơn bão năm Tân Mùi 1931, giọng ông Trần Văn Hạnh trầm buồn: “Đã là người con của Diêm Phố (tên trước đây của xã Ngư Lộc), không ai quên được cơn bão năm đó. Một trận bão lớn và đến bất ngờ đã nhấn chìm hầu như toàn bộ thuyền bè đánh bắt ngoài khơi và cướp đi vĩnh viễn 344 người con của Ngư Lộc”.

5 năm sau, người dân huyện Hậu Lộc lại đón nhận một trận cuồng phong khác, cướp đi sinh mạng 121 người, trong đó Ngư Lộc có hơn 60 người. Theo ông Nguyễn Ngọc Đa - Trưởng thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc - năm nào cũng vậy, dù trời yên biển lặng, Ngư Lộc cũng có ít nhất vài ngư dân đi mãi không về.

Cũng chứng kiến nhiều thảm kịch không kém là 2 ngôi làng lốc ở tỉnh Nghệ An. Sở dĩ gọi là làng lốc vì hàng chục ngư dân của làng này đã phải bỏ mạng trong những trận lốc xoáy kinh hoàng quét qua biển. Làng lốc Trung Mỹ thuộc xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, 30 năm về trước có tổng cộng 51 người đàn ông thiệt mạng. Còn làng lốc Tân Lập thuộc xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc thì có 36 ngư dân bị lốc cuốn chết cách nay hơn 20 năm.

Rồi không chỉ vì giông lốc, những cuộc mưu sinh trên biển luôn bấp bênh theo con nước và mang nhiều hiểm họa khó lường. Hầu như năm nào ở đây cũng có vài người nằm lại với biển.

Sau một đêm bỗng thành góa phụ

“Lấy chồng nghề ruộng em theo. Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”.

Đó là câu ca dao mà bất cứ người phụ nữ nào sinh ra, lớn lên trên dải đất ven biển miền Trung cũng thuộc nằm lòng. Bởi lẽ, lấy chồng nghề biển, có khi sau một đêm đã trở thành góa phụ. Tính từ năm 1996 đến nay, xã Ngư Lộc có tới 142 phụ nữ góa chồng, cuộc sống của họ vô cùng vất vả.

ba Quyen
Bà Đồng Thị Quyên đau buồn khi nhắc về người chồng vắn số Ảnh: TUẤN MINH

Ghé thăm nhà bà Đồng Thị Quyên (50 tuổi, ở thôn Thắng Tây), có chồng tử nạn cùng 8 người khác trong vụ đắm tàu vào tháng 9-2010, nhắc chuyện cũ, bà òa khóc: “Thoát chết trong trận lốc năm 1996, về nhà ông ấy hứa sẽ không bao giờ đi biển nữa. Thế rồi thằng cháu có tàu mới rủ ông ấy đi và từ đó không về nữa. Cũng vì miếng cơm manh áo mà thôi…”.

Lau nước mắt, bà Quyên cho biết số phận hẩm hiu không chỉ gọi tên bà. Ở mảnh đất ven biển này, số phụ nữ có chồng bỏ mạng khi đi biển nhiều không kể hết. Có người cưới nhau nằm chưa ấm gối thì chồng đã vĩnh viễn không về, có người chồng chết khi con còn đỏ hỏn.

Còn ở 2 làng lốc của Nghệ An, số phụ nữ góa chồng cũng lên đến hàng trăm. Riêng trong 2 trận lốc thì có đến khoảng 50 người. Hiện nay, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy cảnh những người đàn bà nằm gào thét vật vã trên bãi biển khi chồng, con đi biển không về. Dù mỗi người một số phận nhưng đa số những người phụ nữ đó vẫn không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con.

Chồng chết trong một vụ đắm thuyền vào tháng 6-2011, bà Nguyễn Thị Sao (SN 1962, ngụ xóm Tân Lập) phải một mình nuôi 8 đứa con và lo trả món nợ 100 triệu đồng vay mượn để đóng thuyền. “Mất chồng, mất cả thuyền khiến gia đình tôi rơi vào cảnh túng quẫn. Có lúc tuyệt vọng, tôi đã nghĩ đến cái chết nhưng nghĩ đến mấy đứa con nên gắng gượng” - bà Sao xót xa.

Bà Đậu Thị Hoa ở xóm Trung Mỹ, có chồng chết vì gặp lốc khi đi biển, cho biết: “16 tuổi mất cha, 26 tuổi thì mất chồng. Lúc anh ấy mất, tôi nghĩ mình không thể sống được vì lấy gì để nuôi mẹ già và 4 con nhỏ. Tôi làm đủ thứ nghề để sống, có nhiều người đến hỏi cưới nhưng vì thương con nên tôi quyết định ở vậy, giờ 4 đứa đều khôn lớn cả”.

Mồ côi từ tấm bé

Cùng với những người phụ nữ mất chồng là nhiều đứa trẻ mất cha. Thương nhất là những cháu bé phải chịu cảnh mồ côi từ ngay khi còn trong bụng mẹ. Chị Dương Thị Thu An (21 tuổi, ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mới mang thai được 7 tháng thì chồng là Nguyễn Văn Cường (25 tuổi) đi Hoàng Sa lặn biển và bỏ mình ở đó. Nuốt nước mắt vào lòng, chị An mang nặng đẻ đau một mình. Giờ bé Nguyễn Duy Khang, con trai chị, đã biết đi chập chững.

Cùng hoàn cảnh là bé Nguyễn Thị Bích Vy (5 tuổi, ngụ xã An Hải). Lúc Vy mới tượng hình trong bụng mẹ được 2 tháng thì cha cháu chết ngạt dưới biển khi đang lặn bắt hải sâm ở Hoàng Sa. Ngày anh Thành mất đã để lại cho chị Hạnh số nợ 20 triệu đồng. Tính đến nay đã 5 năm, dù đã làm việc cật lực nhưng chị Hạnh chỉ đủ tiền nuôi con chứ chưa trả hết được nợ.

3 năm, 46 người bỏ mạng ngoài khơi

Theo báo cáo từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, tính từ năm 2011 đến tháng 10-2013, toàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 88 vụ tai nạn trên biển khiến 46 người chết, 56 người bị thương, 56 tàu thuyền bị chìm, thiệt hại gần 20 tỉ đồng. Các vụ trên xảy ra ở 6 huyện, thị ven biển nhưng nhiều nhất là 2 huyện Hậu Lộc và Tĩnh Gia.
Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 5.866 tàu thuyền với 28.533 lao động. Tàu cá ở đây vẫn còn rất lạc hậu, công suất nhỏ; số tàu cá 1.000 CV trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay.
T.Minh

Kỳ tới: Hồn treo cột buồm

Người lao động, 08/12/2013
Đăng ngày 09/12/2013
Tuấn Minh - Đức Ngọc - Tử Trực
Nông thôn
Bình luận
avatar

Bình Định: Sản lượng thủy sản tháng 6 năm 2024 tăng 2,9% (847,4 tấn) so cùng kỳ năm 2023

Tỉnh Bình Đinh tiếp tục tăng cường nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại một số địa phương ven biển.

Tàu thuyền thủy sản
• 14:22 17/07/2024

Bình Định: Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 146.445,2 tấn

Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Định, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh ước đạt 146.445,2 tấn, tăng 2,9% ( tăng 4.161,2 tấn) so với cùng kỳ.

Tàu
• 08:00 06/07/2024

Thu nhập ổn định từ việc nuôi cá lồng bè trên hồ chứa

Nhờ tận dụng tiềm năng dồi dào của nguồn nước hồ chứa thủy lợi Mỹ Thuận (xã Cát Hưng, huyện Phù Cát), nhiều hộ dân ở đây đã phát triển nghề nuôi cá lồng với nhiều đối tượng có giá trị kinh tế như cá điêu hồng, cá thát lát,...

Nuôi lồng bè
• 10:25 03/07/2024

Tăng cường quản lý NTTS trong thời tiết nắng nóng, mưa bão và hạn hán xâm nhập mặn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm thời tiết thay đổi theo hướng cực đoan, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, áp thấp nhiệt đới, mưa, bão xảy ra không theo quy luật.

Nuôi thủy sản lồng bè
• 10:22 28/06/2024

Cá sấu hỏa tiễn - Loài cá săn mồi cực đỉnh

Tại Việt Nam, loài cá này được du nhập từ năm 2000 để phục vụ cho những người đam mê cá cảnh. Tuy nhiên, loài cá này lại tiềm ẩn không ít nguy cơ gây hại cho môi trường lẫn con người.

Cá sấu hỏa tiễn
• 08:26 28/09/2024

Lợi ích từ axit hữu cơ và muối của axit hữu cơ mang lại cho tôm

Các nhà khoa học đã chứng mình rằng axit hữu cơ rất quan trọng đối với một số vật nuôi, trong đó có tôm. Với nên tảng công nghệ phát triển như hiện nay, việc đưa axit hữu cơ vào thức ăn giúp kích thích sự tăng trưởng cho tôm đã trở nên dễ dàng hơn. Hôm nay cùng Tép Bạc đi sâu vào các lợi ích mà acid hữu cơ mang lại nhé!

Tôm thẻ chân trắng
• 08:26 28/09/2024

Tại sao nên bổ sung vi sinh có lợi cho ao nuôi thủy sản?

Ngày nay vi sinh đã trở nên phổ biến hơn với người nuôi ngành thủy sản. Với quy tốc độ phát triển như hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến có phần phức tạp hơn. Vì vậy, việc bổ sung các loại vi sinh có lợi là điều rất cần thiết để hỗ trợ ao nuôi, tránh các tổn thất không đáng có.

Vi sinh
• 08:26 28/09/2024

Cùng nhà Tép đến với Festival tôm Cà Mau 2023

Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 là sự kiện vô cùng hấp dẫn, có quy mô cấp khu vực. Nổi bật nhất trong các hoạt động khuôn khổ của chương trình, phải kể đến chương trình trưng bày gian hàng về thiết bị và sản phẩm về tôm.

Tép Bạc
• 08:26 28/09/2024

Các loài cây gây hại trong ao tôm cần loại bỏ ngay lập tức

Có một số loài cây gây hại trong ao tôm cần loại bỏ ngay lập tức. Các loài cây này có thể cạnh tranh với tôm cho oxy, thức ăn và ánh sáng. Chúng cũng có thể là nơi trú ngụ của các loài ký sinh trùng và bệnh tật.

Các loài cây gây hại cho ao nuôi
• 08:26 28/09/2024
Some text some message..