Ông "bác sĩ cá"

Ngư dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bảo rằng ông là người nặng lòng với con cá tra, cá ba sa bởi gần cả cuộc đời ông chuyên trị bệnh cho cá, hướng dẫn cách nuôi cá cho thịt trắng, da mỏng, ít mỡ... Đó là ông Hai Nghiệp (Đỗ Văn Nghiệp, giám đốc Công ty TNHH thương mại thủy sản AFA, Long Xuyên, An Giang).

bac si ca
"Bác sĩ cá" Hai Nghiệp, người có nhiều sáng kiến làm lợi cho người nuôi cá tra, ba sa

Sinh ra ở một vùng quê nằm bên bờ sông Hậu, thuộc xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang, từ nhỏ Hai Nghiệp đã theo cha đi đóng bè nuôi cá cho ngư dân. Khi nước quay (bắt đầu mùa lũ, khoảng cuối tháng 6 âm lịch), cậu bé Nghiệp lại xách cần câu đi bắt cá bụng (cá ba sa con) về bán lại cho chủ bè nuôi cá thịt để có tiền phụ cha mẹ lo cho bảy người em.

Năm 35 tuổi (1984), ông Nghiệp làm thuê cho Công ty MêKông - một tập đoàn nuôi cá bè đầu tiên của tỉnh An Giang, đóng trụ sở ở ngã ba sông Châu Đốc. Nhờ gắn bó với con cá tra, ba sa từ nhỏ, Hai Nghiệp biết rành tập tính của loài cá này tới độ nhìn màu mắt, dạ đuôi cũng đủ biết cá khỏe hay yếu. Chỉ sau một năm ông được cất nhắc lên làm quản lý, đảm nhiệm luôn vai trò kỹ thuật, chăm sóc hơn 50 bè cá ba sa của công ty.

Sáng kiến bạc tỉ

"Ngoài việc làm cầu nối giữa người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến, anh Hai Nghiệp còn là một "bác sĩ cá" rất mát tay. Có dạo dịch bệnh trên cá bùng phát, người nuôi điêu đứng, may nhờ có anh góp một tay. Người như anh Hai Nghiệp thật đáng quý" - ông Nguyễn Hữu Nguyên, trưởng ban kiểm soát - Hiệp hội Nghề cá tỉnh An Giang, nói.

Giai đoạn này để gia tăng lợi nhuận cho công ty, ông Hai Nghiệp đề xuất nuôi cá ba sa kèm cá he, cá hú, cá chài… "Cá ba sa ăn mồi nổi sát mặt nước, còn các loài cá khác ăn ở tầng nước sâu hơn sẽ tận thu được "mồi tàn" (thức ăn dư) và cả phân của cá ba sa vốn còn ít nhiều dinh dưỡng" - ông giải thích. Đề xuất này thuyết phục được những người có trách nhiệm trong công ty.

Vụ đầu tiên, sau khi thả con giống ba sa độ một tháng, mỗi bè thả thêm 5% cá hú, 5% cá he, 5% cá chài. Thành công đã đến ngay lập tức. Con số 15% cá nuôi kèm đã tạo ra thu nhập đáng kể cho công ty, nhưng điều quan trọng hơn là việc nuôi kèm góp phần vệ sinh bè, hạn chế bệnh tật cho đối tượng nuôi chính là cá ba sa. Phần thu nhập tăng thêm được dành khen thưởng nhân viên, thúc đẩy tinh thần làm việc trong toàn công ty.

Đây được xem là một sáng kiến đầu tiên trong đời làm thuê của ông Hai Nghiệp. Ngư dân trong vùng thấy biện pháp này hiệu quả nên đã áp dụng đến ngày hôm nay.

Những năm đầu thập niên 1990, nghề nuôi cá ba sa phát triển cực thịnh. Sản lượng nuôi nhiều ảnh hưởng tới nguồn nước trên sông. Tình trạng cá bè xuất hiện các chứng bệnh ký sinh trên da, gan có mủ, ăn không tiêu khá phổ biến, tỉ lệ thả nuôi chết tăng 10-20% rồi lên trên 30%. Kỹ sư thủy sản được cử tới tận bè xem xét, nhưng các loại thuốc kháng sinh mạnh nhất đều không mang lại kết quả.

Điều nghiên kỹ tình hình, ông Hai Nghiệp phát hiện: khi bị bệnh, cá ba sa rất biếng ăn nên các loại thuốc trộn vào thức ăn thông thường sẽ không vào được bụng cá, trong khi thuốc đổ xuống bè để xử lý nước bị trôi nhanh theo dòng chảy về phía hạ lưu.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Hai Nghiệp nghĩ ra cách dùng ống nước khoanh một vòng tròn đường kính độ 1,5m rồi lấy ốc bươu vàng (món khoái khẩu của cá ba sa) bầm nhuyễn, phi thêm mỡ tỏi cho thơm, trộn với thuốc trị bệnh, thêm ít bột gòn làm chất kết dính rồi thả xuống bè. Ống nước khoanh lại làm cho thức ăn có trộn thuốc không trôi ra bên ngoài, cá nghe mùi thơm từ ốc đua nhau lên ăn.

Để gia tăng mức độ tương tác thuốc, ông lại dùng tấm nilông bịt kín đầu bè phía trên nước, hạn chế sự lưu chuyển của dòng chảy, giúp cá được tắm mình trong môi trường nước có chứa thuốc lâu hơn nên chỉ sau một thời gian ngắn cá đã dần khỏi bệnh.

"Sáng kiến của "bác sĩ cá" Hai Nghiệp đã nhanh chóng lan tỏa, giúp người nuôi cá bè chúng tôi thoát khỏi nguy cơ phá sản" - ông Bùi Tấn Hà, một chủ bè có thâm niên hàng chục năm ở Châu Đốc, nhớ lại. Theo ông Hà, ông Hai Nghiệp cũng là một trong những người đầu tiên nghĩ ra cách lấy bã đậu nành nấu chung với tấm, cám, rau muống kèm với thức ăn viên, giúp cá ba sa mau đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trở thành đối tác

Tiếng tăm của "bác sĩ cá" Hai Nghiệp nhanh chóng lan khắp ĐBSCL. Các doanh nghiệp chế biến có vùng nuôi tranh nhau mời ông về. Thay vì làm thuê, ông Hai Nghiệp đã chọn cách trở thành đối tác của các công ty bằng việc làm trung gian, đứng ra vận chuyển cá thuê từ ao, bè của nông dân về tới nhà máy của doanh nghiệp. Đây là việc tưởng đơn giản nhưng hết sức khó khăn, vì dù vận chuyển xa tới mấy con cá cũng phải khỏe, không bị trầy xước, nhờ vậy chất lượng chế biến mới cao.

Để đáp ứng yêu cầu này, ông Hai Nghiệp đã nghĩ ngay tới cách vận chuyển bằng ghe đụt, có thiết kế lưới bên hông để nước trong ghe thông lưu với bên ngoài. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, thoạt đầu ông Hai Nghiệp mua một chiếc ghe đụt, số còn lại ông thuê theo mùa vụ. Tích lũy dần, mỗi năm ông mua thêm vài chiếc. Dần dà đội ghe chuyên vận tải cá của ông lên tới vài chục chiếc, vốn đầu tư trên dưới 500 triệu đồng/chiếc.

Hiện tại dù nghề nuôi cá tra, ba sa đang gặp khó khăn, các doanh nghiệp chế biến chỉ hoạt động cầm chừng, nhưng đội ghe của ông Hai Nghiệp vẫn hoạt động như con thoi. Mỗi buổi sáng vẫn thấy ông ngồi tại trụ sở công ty, điều hành công việc qua điện thoại di động. Ao hầm nào nằm sâu trong rạch thì ông điều ghe nhỏ tăng bo ra ghe lớn đậu ngoài sông. Cứ thế đội ghe của ông Hai Nghiệp có mặt khắp các vùng nuôi cá, từ An Giang tới Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long…

"Thế mạnh của Hai Nghiệp là trong thời gian ngắn có thể giao cá với số lượng lớn, chất lượng cá tốt, màu sắc ổn định, kích cỡ đồng đều, không bị bệnh, nhiễm kháng sinh hay các chất cấm khác. Việc này giúp chúng tôi hạ rủi ro xuống mức thấp nhất, vì xem cá không "tới", mua nhằm cá nguyên liệu không đạt yêu cầu, mang về tới nhà máy sẽ gánh chịu thiệt hại khó lường" - một chủ doanh nghiệp chế biến cá tra, ba sa ở P. Mỹ Quý, TP Long Xuyên, nói.

Để làm được điều này, ngoài kinh nghiệm "xem mặt" cá, ông Hai Nghiệp còn hướng dẫn người nuôi hút bùn đáy ao để loại bỏ hoàn toàn dư lượng kháng sinh tồn đọng trong đất, ảnh hưởng tới cá nuôi.

Câu chuyện về con cá tra, ba sa đang hồi rôm rả, chợt ông "bác sĩ cá" tóc đã hoa râm tặc lưỡi: "Trên thế giới có lẽ chỉ ĐBSCL là thích hợp nhất cho nghề nuôi cá tra, ba sa, vậy mà mình không tận dụng được lợi thế này để người nuôi điêu đứng!".

Tâm sự của ông làm chúng tôi nhớ lại cách đây hơn chục năm, khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ lần đầu tiên áp mức thuế chống bán phá giá cá da trơn của Việt Nam (7-2003) khiến giới doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá như ngồi trên lửa vì thị trường xuất khẩu chủ lực bị "đóng băng". Khi ấy, ông Hai Nghiệp cho rằng cuộc chiến trong vụ kiện chống bán phá giá cá da trơn Việt Nam vào thị trường Mỹ chưa trầm trọng bằng cuộc chiến trong nội bộ các doanh nghiệp chế biến và giữa họ với người nuôi cá.

Về nhận định này, ông Hai Nghiệp quả có đôi mắt nhìn xa. Trong một lần trò chuyện với chúng tôi gần đây, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị cũng trút ưu tư: "Bất chấp có quy hoạch hay không, bất kể đất lúa màu mỡ, người người đổ xô đào ao nuôi cá, từ các tỉnh đầu nguồn lan ra cả ĐBSCL.

Từ sau năm 2000, các doanh nghiệp cũng thi nhau vay vốn xây hàng loạt nhà máy chế biến cá tra, ba sa. Cung vượt xa cầu thì tụt giá là tất nhiên, rồi sinh ra mất đoàn kết giữa người nuôi và nhà máy, cạnh tranh kiểu tự hủy diệt. Sau mỗi lần có hội chợ thủy sản Boston (Mỹ) hay Brussels (Bỉ) hoặc thậm chí tại Việt Nam (Vietfish), giá cá lại giảm vì doanh nghiệp lặng lẽ "đi đêm", chào hàng giá thấp để giải phóng tồn kho, thu tiền mặt trả nợ ngân hàng, mặc cho cơ quan chức năng quy định giá sàn.

Nông dân mà nghe đến hội chợ thủy sản đều ê mình hết. Lỗi này ở khâu quy hoạch, kế hoạch vùng nuôi, xây dựng nhà máy cũng như khâu điều hành sản xuất và xuất nhập khẩu của Nhà nước".

Để vực dậy nghề nuôi cá bè truyền thống, theo ông Nghiệp, cần quy đầu mối xuất khẩu cho một tổ chức đại diện các doanh nghiệp và người nuôi cá vùng ĐBSCL. Tổ chức này sẽ đứng ra thương lượng giá với khách hàng tại các thị trường, đồng thời làm đầu mối nhập nguyên liệu chế biến thức ăn cho cá nhằm tránh kiểu mạnh ai nấy nuôi, lập nhà máy chế biến rồi tranh bán, tranh mua một cách cục bộ, dẫn tới bị ép giá như vừa qua.

Báo Tuổi Trẻ
Đăng ngày 19/09/2013
TẤN ĐỨC - BÌNH MINH
Doanh nghiệp
Bình luận
avatar

Cơ chế hoạt động của thuốc gây mê cho cá tôm

Gây mê trong ngành thủy sản đã quá quen thuộc, nhưng không phải ai cũng hiểu và biết cách gây mê đúng đảm bảo an toàn cho vật nuôi, cho môi trường và cả người thao tác lẫn sử dụng. Hiểu rõ cơ chế hoạt động hay biết được kỹ thuật gây mê sẽ giúp bạn thực hiện gây mê nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Cá cảnh
• 10:47 18/07/2024

Thuốc gây mê hóa học và thuốc gây mê tự nhiên cho cá

Khi nhu cầu gây mê trong ngành thủy sản ngày càng cao thì thuốc mê cho cá, tôm ngày càng đa dạng, đa dạng từ nguồn gốc xuất xứ đến thương hiệu sản phẩm, từ đối tượng sử dụng đến hiệu quả thực tế, từ thành phần hóa học đến thành phần tự nhiên.

Thuốc gây mê cho cá tôm
• 11:20 15/07/2024

Siêu sale cuối tháng - Xả láng săn deal

Quyết tâm định vị được ngày sale lớn trùng với ngày thành lập sàn Farmext eShop 22.09, nên cứ đến ngày 22 hàng tháng, tại eShop sẽ có một lần siêu khuyến mãi kéo dài trong vòng 1 tuần hoặc dài hơn.

Siêu sale
• 08:00 22/06/2024

Khoáng ăn E – min sự kết hợp hoàn hảo của khoáng, Amino Acid & Enzim

Khoáng chất là thành phần có trong tất cả các mô của cơ thể, đóng vai trò cần thiết đối với đời sống thủy sản nói chung và tôm nói riêng. Hiểu được tầm quan trọng của khoáng trong ao nuôi tôm, Công ty Khoáng K3 đã chính thức ra mắt dòng sản phẩm khoáng ăn cao cấp E – min được thiết kế đặc biệt để tăng cường đề kháng và sức khỏe cho tôm trong quá trình nuôi trồng thủy sản.

Vỏ tôm
• 09:00 20/06/2024

Cá sấu hỏa tiễn - Loài cá săn mồi cực đỉnh

Tại Việt Nam, loài cá này được du nhập từ năm 2000 để phục vụ cho những người đam mê cá cảnh. Tuy nhiên, loài cá này lại tiềm ẩn không ít nguy cơ gây hại cho môi trường lẫn con người.

Cá sấu hỏa tiễn
• 18:33 22/09/2024

Lợi ích từ axit hữu cơ và muối của axit hữu cơ mang lại cho tôm

Các nhà khoa học đã chứng mình rằng axit hữu cơ rất quan trọng đối với một số vật nuôi, trong đó có tôm. Với nên tảng công nghệ phát triển như hiện nay, việc đưa axit hữu cơ vào thức ăn giúp kích thích sự tăng trưởng cho tôm đã trở nên dễ dàng hơn. Hôm nay cùng Tép Bạc đi sâu vào các lợi ích mà acid hữu cơ mang lại nhé!

Tôm thẻ chân trắng
• 18:33 22/09/2024

Tại sao nên bổ sung vi sinh có lợi cho ao nuôi thủy sản?

Ngày nay vi sinh đã trở nên phổ biến hơn với người nuôi ngành thủy sản. Với quy tốc độ phát triển như hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến có phần phức tạp hơn. Vì vậy, việc bổ sung các loại vi sinh có lợi là điều rất cần thiết để hỗ trợ ao nuôi, tránh các tổn thất không đáng có.

Vi sinh
• 18:33 22/09/2024

Cùng nhà Tép đến với Festival tôm Cà Mau 2023

Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 là sự kiện vô cùng hấp dẫn, có quy mô cấp khu vực. Nổi bật nhất trong các hoạt động khuôn khổ của chương trình, phải kể đến chương trình trưng bày gian hàng về thiết bị và sản phẩm về tôm.

Tép Bạc
• 18:33 22/09/2024

Các loài cây gây hại trong ao tôm cần loại bỏ ngay lập tức

Có một số loài cây gây hại trong ao tôm cần loại bỏ ngay lập tức. Các loài cây này có thể cạnh tranh với tôm cho oxy, thức ăn và ánh sáng. Chúng cũng có thể là nơi trú ngụ của các loài ký sinh trùng và bệnh tật.

Các loài cây gây hại cho ao nuôi
• 18:33 22/09/2024
Some text some message..